Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 31.12, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI ra mắt Đại hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tham dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm. Hoạt động báo chí của nước ta trong bối cảnh đó cũng đối mặt nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Đại hội XI lần này có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về “Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kì mới”, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8.4.2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đại hội còn có nhiệm vụ quan trọng là bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kì 2020-2025.
Hiện nay cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid - 19.
Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo, củng cố hoạt động, tăng cường công tác đối ngoại.
Bên cạnh những thành tựu, Hội cũng nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua. Đó là: Một số tổ chức hội vẫn chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp nên một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến những vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Một số tổ chức hội thiếu năng động sáng tạo, chưa tập hợp và thu hút được hội viên, chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, công tác thi đua khen thưởng còn hình thức. Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; một bộ phận hội viên chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số…
Đại biểu Hội Nhà báo Tây Ninh và Lâm Đồng cùng với ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, báo chí Việt Nam sẽ tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ảnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện; Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên; nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ Hội từ Trung ương đến các cơ sở…
Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Theo đề án nhân sự khóa XI có: 57 ủy viên Ban Chấp hành; 17 ủy viên Ban Thường vụ; Ban Thường trực Hội gồm 1 Chủ tịch kiêm nhiệm và 3 Phó chủ tịch chuyên trách; Do chưa có nhân sự cụ thể của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, 3 Ban của cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, 5 vị trí này phải để lại bổ sung sau. Do vậy, tại Đại hội bầu 52 ủy viên Ban Chấp hành.
Ông Lê Quốc Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025. Các Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, gồm: Nguyễn Đức Lợi (Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam), Trần Trọng Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh).
Ông Vũ Xuân Trường- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Đài PT-TH Tây Ninh trúng cử Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
Hương Giang