Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã dùng 12 chữ “trang trọng, hào hùng, văn hiến, hòa bình, hữu nghị, an toàn” để đánh giá về Đại lễ. Trong khi đó, theo điều tra dư luận xã hội mới nhất, Đại lễ là sự kiện được đánh giá có hiệu quả cao nhất.
Tại Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chiều 5.1, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh đánh giá, Đại lễ được tổ chức tiết kiệm, hiệu quả và an ninh được bảo đảm. Điều còn tiếc nuối là sự cố pháo hoa và ùn tắc giao thông đêm 10.10.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh “bù lại” ùn tắc giao thông, lòng dân rất phấn khởi và mỗi người đều muốn đóng góp gì đó vào Đại lễ. “Qua sự kiện này cho thấy, an ninh trật tự nằm trong lòng dân, chứ với lượng người đông như vậy không lực lượng nào đủ sức đảm bảo”, ông Tuấn Anh nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Dù đêm 10.10 ùn tắc nhưng rất trật tự, rất lành mạnh... |
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu mào đầu cũng khẳng định, thành công của Đại lễ là do tấm lòng của người dân. Theo ông Hùng, thực tế Ban chỉ đạo Kỷ niệm 1.000 năm không phải hoạt động quá vất vả khi có được sự ủng hộ lớn lao từ người dân.
Cùng chung cảnh ách tắc với người dân trong đêm 10.10, ông Hùng cho biết, quan sát đường sá, ông thấy cuộc sống rất thanh bình. “Dù ùn tắc, nhưng rất trật tự, rất lành mạnh, rất vui tươi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Dẫu vậy, khi kiểm điểm lại, ngành Công an cũng thẳng thắn cho rằng, với sự kiện đêm 10/10, mặc dù Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng có phương án, nhưng đã không lường hết lượng người đổ về đông như vậy.
Về phía Hà Nội, Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Thế Thảo đánh giá, dù có những vấn đề phát sinh, nảy sinh ngoài ý muốn, nhưng cơ bản việc tổ chức Đại lễ là thành công. Những giá trị văn hiến của Thủ đô ngàn năm tuổi được tôn vinh trong nước và quốc tế.
Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng và được khánh thành trong dịp Đại lễ và thảo ông Thảo, những ý kiến cho rằng, các công trình này mang tính hình thức là không công bằng.
Ông Thảo cũng cho rằng, trong dịp tổ chức Đại lễ, đô thị sáng hơn, đẹp hơn, văn minh hơn. Truyền thống thanh lịch nghìn năm của Hà Nội cũng được khơi dậy trong dịp này… “Mặc dù đã khép lại dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhưng dư âm của sự kiện này vẫn còn rất lâu”, ông Thảo kết lại.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phùng Hữu Phú cho biết, điều tra dư luận xã hội mới nhất cho thấy, trong 10 sự kiện năm 2010, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long được đặt vị trí số 1. Trong 35 sự kiện năm nay được đưa ra xin ý kiến cán bộ, người dân, Đại lễ được đánh giá có hiệu quả cao nhất.
Theo ông Phùng Hữu Phú, kết quả Đại lễ không dừng ở các báo cáo mà còn nằm ở phía trước nên cần tiếp tục đầu tư, chỉ đạo, lãnh đạo để phát huy các giá trị. Ông Phú đề nghị, trong việc xây dựng Luật Thủ đô phải làm sao để những giá trị 1.000 năm được phát huy tốt nhất.
Trong phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã dùng 12 chữ “trang trọng, hào hùng, văn hiến, hòa bình, hữu nghị, an toàn” để đánh giá về Đại lễ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố lên kế hoạch quy hoạch, bảo tồn, phát huy những giá trị của những công trình, lễ hội vừa được công nhận là di sản văn hoá thế giới trong dịp Đại lễ vừa qua.
Về việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình tổ chức Đại lễ, Phó Thủ tướng cho rằng, không nên đề xuất tặng Huân chương “bậc cao”. “Bản thân chúng ta ở đây không làm nên những giá trị của 1.000 năm và việc tôn vinh những giá trị này chúng ta cũng chưa làm hết”, ông Hùng nhấn mạnh.
(Theo Dantri)