Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Clau-giơ-vít
Thứ tư: 10:47 ngày 04/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
T.Đéc-ben, tác giả cuốn sách “Giáp và Clau-giơ-vít” xuất bản năm 2006 có ý “ghép” Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà quân sự Đức Clau-giơ-vít làm một. Nhưng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư duy một nhà sử học, nhà luật học, tự trau dồi kiến thức về chiến tranh, nghệ thuật quân sự của dân tộc, cổ, kim, đông, tây, dưới ánh sáng của duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, của tư tưởng Hồ Chí Minh với thực tiễn Việt Nam dù có tham khảo ý nào, luận điểm nào của Clau-giơ-vít, cũng không thể là “cái bóng” của ông ta…

“Từ điển Bách khoa quân sự Xô Viết” xuất bản năm 1983 do Nguyên soái Liên Xô N.V.Oóc-ga-kốp chủ biên cùng một ban biên tập gồm 12 nguyên soái, đại tướng, viện sĩ, giáo sư… và 15 cộng tác viên khoa học, trên trang 335 đã giới thiệu Clau-giơ-vít như sau: “Clau-giơ-vít (Clausewitz Karl 1780-1831), người Đức, nhà lý luận quân sự, nhà sử học, Thiếu tướng quân đội Phổ (1818), tham gia chiến đấu chống Pháp từ năm 1806 đến 1807, phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1812 đến 1815. Từ năm 1818 đến 1830 là Hiệu trưởng Học viện Chiến tranh Béc-lin.

Thừa kế triết học Hê-ghen, Kăng và Phi-xtơ, đã kết hợp tư tưởng (quân sự) tiến bộ tư sản với tinh thần quốc gia Phổ. Tác giả công trình “Bàn về chiến tranh”, đặt nền móng cho lập luận về chiến tranh như là một sự nối tiếp về chính trị. Tuy nhiên, lại cho rằng chiến tranh chỉ là sự nối tiếp của một chính sách đối ngoại mà không tính đến những yếu tố đối nội-được coi như là một biểu hiện quyền lợi của toàn thể xã hội”.

“Almanach những nền văn minh thế giới”, NXB Văn hóa-Thông tin, ấn hành năm 1995, Mục D “Những vị tướng nổi tiếng thế giới” trang 312, 313, 314 đã dành gần 1.500 từ về vị tướng này. Ngoài những thông tin cơ bản, sách này còn cho biết: “Ông kết luận rằng: Chiến tranh là công cụ của chính trị, nó nhất định phải mang tính chất chính trị”… và “tiến hành chiến tranh trong khuôn khổ chủ yếu của nó là chính trị, thay bút bằng kiếm nhưng chẳng vì thế mà làm cho người ta hết suy nghĩ về những quy luật riêng của nó”, “Lần đầu tiên trong lịch sử quân sự tư sản, Clau-giơ-vít đã soạn thảo được những nguyên tắc cơ bản về tiến hành tác chiến, chiến cục và chiến tranh nói chung. Clau-giơ-vít chủ trương sử dụng hết mọi lực lượng, tập trung tối đa binh lực ở hướng đột kích chủ yếu, giáng cho đối phương những đòn bất ngờ.

Ông đóng góp vào kho tàng lý luận quân sự về vai trò quan trọng của yếu tố tinh thần trong việc giành thắng lợi, cho rằng yếu tố tinh thần cơ bản là tài năng của người cầm quân, lòng dũng cảm của quân đội và tinh thần của nhân dân mà quân đội đó từ đó xuất thân. Các nhà quân sự tư sản đã cho ông là nhà quân sự cổ điển của mọi thời đại, phóng đại vai trò cá nhân và các yếu tố ngẫu nhiên trong chiến tranh, đặc biệt họ coi tư tưởng chiến tranh là tàn bạo không hạn chế với các dân tộc khác (chúng tôi nhấn mạnh). Và do đó tư tưởng phản động này đã được bọn Đức quốc xã lợi dụng. Tuy nhiên, Clau-giơ-vít vẫn là nhà lý luận quân sự có tiếng trên thế giới. Tác phẩm Bàn về chiến tranh của ông vẫn là một cuốn sách cho tất cả những người theo con đường binh nghiệp phải tìm đọc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara tại Hà Nội năm 1995 - 

Khi nói về “mối liên quan” giữa Võ Nguyên Giáp và Clau-giơ-vít, tác giả T.Đéc-ben, ngoài 5 mục đầu (K.V Clau-giơ-vít nhà lý luận của chiến tranh nhân dân; Cuộc chiến chống Pháp của tướng Giáp; Cuộc chiến chống Mỹ của tướng Giáp; Sự hình thành binh nghiệp của tướng Giáp), từ mục 6 cho đến mục 9 là: “Mục 6: Câu chuyện về sự hội ngộ giữa Giáp và Clau-giơ-vít; mục 7: Giáp, lãnh tụ chiến tranh theo cách Clau-giơ-vít; mục 8: Giáp, nhà chiến lược Clau-giơ-vít; mục 9: Điện Biên Phủ, “Trận chiến quyết định” Clau-giơ-vít”.

Trong 4 mục này (6, 7, 8, 9) T. Đéc-ben cố gò cho được những quan điểm chiến tranh, nghệ thuật tác chiến của nhân dân ta, của Võ Nguyên Giáp đều “cơ bản có nguồn gốc từ Clau-giơ-vít”. T. Đéc-ben viết: “Chính là sau khi đọc Clau-giơ-vít mà Giáp đề cập tới cuộc chiến ở Điện Biên Phủ. Chính Giáp đã đưa vấn đề của Đéc-ben trong sách Vom Krieze (Bàn về chiến tranh) trong chương “Phòng thủ rừng núi” vào Điện Biên Phủ… Điện Biên Phủ là kiểu “chiến trận lớn” Clau-giơ-vít…”.

Người am hiểu về lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam nói chung và riêng về Chiến dịch Điện Biên Phủ đều thấy rằng sự gán ghép của T.Đéc-ben là không có cơ sở: Điều thứ nhất là cho dù Clau-giơ-vít có viết tỉ mỉ đến đâu về “Phòng thủ rừng núi” thì “rừng núi của Clau-giơ-vít” cũng là rừng núi châu Âu, mà không phải là Việt Nam, là Tây Bắc, là Điện Biên. Và ngay cả những trận đánh lớn, “chiến trận lớn” từ thời La Mã, Ai Cập, Tam Quốc, đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thứ hai… cũng không hoàn toàn giống như “tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.

Vả lại, Võ Nguyên Giáp không phải chỉ có đọc một tác phẩm “Bàn về chiến tranh”. Chính T.Đéc-ben, trong mục 4, đã cho biết, nữ phóng viên Brai-gít-tơ Phu-ăng đã được một sĩ quan tham mưu Pháp trả lời rằng: “Ông ấy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chẳng học trường quân sự nào cả”. T.Đéc-ben viết (trang 35): “Kiến thức quân sự” của tướng Giáp có được là do tự học. Ông đã nghiên cứu các chiến dịch của các đế chế một cách rất sâu sắc. Năm 1938, trong những bài giảng về lịch sử tại một trường trung học ở Hà Nội, học trò của Giáp nhớ lại là: Ông đã vẽ trên bảng đen vị trí bố trí quân của Na-pô-lê-ông… Ông cũng đã tiếp cận cho học sinh của mình những cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Nhật ở Tàu. Chính trong thời gian này, ông đã đọc một cuốn sách theo cách mà T.E. Lau-ren-xơ cho rằng hiệu quả chiến lược tối đa có thể giành được với một tối thiểu phương tiện.

Nguồn chính kiến thức quân sự của tướng Giáp là những luận điểm kinh điển của chủ nghĩa Mác (những bài viết của Ăng-ghen và Lê-nin về khởi nghĩa) và những tài liệu quân sự của Mao Trạch Đông, Chu Đức. Từ năm 1935 đến 1940, Giáp viết trong Báo Tiếng dân một chuyên mục về những hoạt động của Hồng quân Trung Hoa. Dưới bút danh Dương Hoài Nam, ông Giáp đã viết cuốn “Để hiểu tình hình quân sự ở Trung Quốc” với ý định giới thiệu với nhân dân Việt Nam học tập và áp dụng kinh nghiệm cuộc đấu tranh cách mạng của những người cộng sản Trung Hoa.

Khi Đảng Cộng sản Đông Dương chọn con đường đấu tranh vũ trang, Giáp đã đọc “Bàn về chiến tranh lâu dài” (Trì cửu chiến) của Mao Trạch Đông và cuốn “Về chiến tranh du kích chống Nhật” của Chu Đức (sách này do chính ông tự dịch để đọc). Những ấn phẩm quân sự này đã giúp Hồ Chí Minh viết “Cách đánh du kích” (1941), “Kinh nghiệm du kích Pháp”, “Kinh nghiệm du kích Tàu” (1945). Hồ Chí Minh cũng đã dịch “Binh pháp Tôn Tử” và những sách kinh điển quân sự khác của Trung Quốc”.

Trên các trang 40, 41,42, T. Đéc-ben viết tiếp: “Giáp có một hiểu biết hoàn hảo về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trước Công nguyên cho đến hai lần chống quân Tống, ba lần chống quân Nguyên, chống quân Minh, quân Xiêm, quân Thanh… và tổ chức quân sự của Việt Minh (tác giả vẫn nhầm Việt Minh với Việt Nam-T.G) được kế thừa trực tiếp từ quá khứ này và người ta thấy lại tất cả trong tài chỉ huy của Giáp”. Ở trang 44, T. Đéc-ben cho biết: “Di sản quân sự này cũng đã giúp Hồ Chí Minh viết chương “Khởi nghĩa nông dân” trong cuốn “Khởi nghĩa vũ trang”, một cuốn sách không chính thức của Quốc tế cộng sản, chương mà Hồ Chí Minh đã thu thập được rất nhiều kinh nghiệm trong Bát lộ quân và trong vùng Tây An cộng hòa Xô Viết”.

Như vậy, bạn đọc có thể thấy rõ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lao động tự học, “gộp” lại cho mình những kiến thức quân sự cổ, kim, đông, tây của các chế độ, của nhiều dân tộc, nhiều “chủ nghĩa”, với truyền thống, lý luận quân sự, chiến tranh của dân tộc Việt Nam dưới sự hướng dẫn của người thầy Hồ Chí Minh, đã trở thành một nhà lý luận quân sự Mác-xít - Lê-nin-nít, mang dấu ấn Hồ Chí Minh đồng thời là Tổng chỉ huy một quân đội nhân dân đánh bại, ít ra cũng là “hai đế quốc to”.

Clau-giơ-vít không phải mang trách nhiệm nặng nề là Tổng chỉ huy quân đội của một quốc gia. Ông cũng không phải gánh vác sứ mệnh phải chỉ huy, lãnh đạo một cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc, ngoại trừ thời gian ngắn hợp tác với quân Nga dưới sự chỉ huy của Ku-tu-dốp đánh bại Na-pô-lê-ông trên đất Nga.

Có thể chấp nhận là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc, đã “chú ý” đến nhiều điểm trong “Bàn về chiến tranh”, đến những lý giải, ý kiến, quan điểm của Clau-giơ-vít “phù hợp với chiến tranh cách mạng Việt Nam”. Võ Nguyên Giáp không hoàn toàn đồng ý với tất cả luận điểm về chiến tranh của Clau-giơ-vít. Và công lao, cống hiến của Võ Nguyên Giáp không phải chỉ mang tính chất Clau-giơ-vít, mà còn là của nhân loại, của Tôn Tử, cả của Na-pô-lê-ông, của Xu-vô-rốp, Ku-tu-dốp, Xta-lin, Giu-cốp, Mao Trạch Đông, Chu Đức… kết hợp với di sản tri thức quân sự của dân tộc Việt Nam, dưới ánh sáng của duy vật biện chứng-duy vật lịch sử, theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ở một góc nhìn đó, Võ Nguyên Giáp có phần “khác” Clau-giơ-vít. Đại tướng đã “gộp” được và “vượt” qua nhiều nhà lý luận quân sự cũng như chỉ huy quân đội.

Nguồn QĐND

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục