Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tại hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 vào sáng 17.9.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Hội nghị còn được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu chăn nuôi từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y bám sát Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời dịch bệnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc thú y, vaccine, chế phẩm sinh học để chủ động phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra, giám sát triển khai đầy đủ tiêm vaccine, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, theo quy định của OIE để xuất khẩu.
Cục Chăn nuôi chịu trách nhiệm về an ninh sinh học, an toàn sinh học, triển khai thực hiện thật tốt, tạo sự kết nối sản phẩm, giải quyết được các sản phẩm tồn đọng; chỉ đạo cơ sở, địa phương chuẩn bị thật tốt giống, cơ sở ấp nở, thức ăn chăn nuôi chuẩn bị cho vụ sản xuất mới; cùng với đó, bám sát mục tiêu chiến lược, rà soát từng năm, bám sát thực tiễn để đề xuất giải pháp duy trì chăn nuôi từ nay đến cuối năm.
Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, địa phương điều chỉnh, nhân rộng các mô hình sản xuất chăn nuôi có hiệu quả; tập trung xử lý thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực; tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người tham gia sản xuất; chuẩn bị tốt các điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đảm bảo đầy đủ các yếu tố cho chu kỳ sản xuất mới.
Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố đã tập chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 99 xã của 29 tỉnh, thành phố, tiêu hủy hơn 370.000 con gia cầm, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2020, với 3 chủng vi rút lưu hành, bao gồm: A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8.
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố, tiêu hủy hơn 93.000 con lợn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Bệnh Lở mồm long móng đã xảy ra tại 86 xã của 18 tỉnh, thành phố, với hơn 3.000 con gia súc mắc bệnh, 340 con phải tiêu hủy.
Riêng bệnh viêm da nổi cục, từ đầu năm đến nay, bệnh đã xảy ra tại gần 4.000 xã của 51 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là hơn 180.000 con, số gia súc tiêu hủy gần 25.000 con. Hiện nay, cả nước có 969 ổ dịch tại 183 huyện của 32 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; miền Trung và Nam bộ đang có dịch diễn ra nghiêm trọng, xảy ra ở khắp các xã, phường, thị trấn. Với quan điểm công tác tiêm vaccine có vai trò quan trọng, Bộ đã chỉ đạo nhập khẩu 11 triệu liều vaccine. Các doanh nghiệp đã nhập khẩu, cung ứng 7 triệu liều; đã tiêm phòng được 6 triệu liều, đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của các địa phương. Thực tế cho thấy, xã nào tiêm đạt trên 70% thì nhanh chóng khống chế được dịch. Trong gần 9 tháng năm 2021, đáng mừng là không có ổ dịch Tai xanh mới phát sinh tại các địa phương.
Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Cục Thú y đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 57 cơ sở, vùng (bao gồm 48 cơ sở do địa phương cấp; 9 vùng). Đến ngày 15.9.2021, cả nước có hơn 2.300 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm 982 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.146 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 173 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản xây dựng hoàn thiện Dự án vùng chăn nuôi gia cầm và gia súc an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức sức khỏe động vật thế giới (OIE) để phục vụ xuất khẩu, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, đến năm 2025, Bộ sẽ xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại 9 huyện trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai. UBND các tỉnh, thành phố thiết lập vùng đệm an toàn dịch bệnh ở 23 huyện trên địa bàn một số tỉnh, trong đó có 3 huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và Gò Dầu của tỉnh Tây Ninh. Với vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh, Tây Ninh cùng một số tỉnh khác cùng xây dựng vùng đệm trên địa bàn 18 huyện.
Về dịch bệnh trên thủy sản, tổng diện tích bị thiệt hại hơn 16.000 ha, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thiệt hại trên tôm nuôi chiếm khoảng 2,2% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước và chiếm hơn 96% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung dịch bệnh được kiểm soát tốt, chưa gây hậu quả nghiêm trọng như thời gian trước.
C.T