Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 23.5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).
Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 23.5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) |
Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tổng số có 156 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 27 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường. Hầu hết các ý kiến tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Các ý kiến đều đánh giá cao việc Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đoàn đại biểu, đại biểu và chỉnh sửa dự thảo luật cũng như giải trình làm rõ nhiều vấn đề.
Về tiền lương và mức lương tối thiểu, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương như: Cơ cấu của tiền lương, căn cứ trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương, hình thức trả lương, hệ thống thang, bảng lương. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và đã chỉnh lý dự thảo theo hướng không kết cấu chương này thành các mục, quy định rõ khái niệm về tiền lương để thống nhất cách hiểu về tiền lương, cơ cấu tiền lương, nguyên tắc cơ bản để trả lương và bắt buộc mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Một số ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu giờ để đáp ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Bộ luật đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ, được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý tại Điều 99 của dự thảo Bộ luật về tăng mức lương làm thêm giờ ban đêm lên gấp đôi so với mức lương làm việc ban ngày.
Về loại hợp đồng lao động, nhiều ý kiến ủng hộ phương án hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, cả hai phương án đều có khung tối đa là 72 tháng. Tuy nhiên, phương án thứ hai thực chất là kế thừa phương án một nhưng mềm dẻo hơn vì cho phép người sử dụng lao động và người lao động ký kết hợp đồng xác định thời hạn với thời gian linh hoạt hơn, phù hợp với thời gian thực hiện khác nhau của các công trình, dự án trên thực tế. Đồng thời, quy định này cũng không cản trở quyền quyết định của hai bên trong việc xác định thời gian cụ thể khi giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn. Do đó, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo phương án 2.
Theo đó, hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến tối đa 72 tháng.
Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần nhưng tổng thời hạn của cả hai lần ký không quá 72 tháng, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Phát biểu ý kiến, các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu), Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng), Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) đều cho rằng, hợp đồng xác định thời hạn như trên là phù hợp, tạo thuận lợi cho người lao động trong quá trình thỏa thuận. Nếu kéo dài lên 72 tháng, sẽ khó bảo vệ được quyền lợi của người lao động.
Về thời giờ làm thêm, về vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ nguyên quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định thời giờ làm thêm là 200 giờ trong một năm, đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm nhưng tối đa không quá 360 giờ trong một năm. Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 vì các lý do sau đây: Quy định này phù hợp với điều kiện và thể chất của người lao động Việt Nam, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp. Việc kéo dài thời giờ làm thêm là chưa phù hợp với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề của người lao động và giá trị sản phẩm tăng lên thì thời giờ làm việc phải giảm dần nhằm bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Việc tăng thời giờ làm thêm mà chủ yếu là trong nhóm lao động phổ thông, nhóm ngành nghề thâm dụng lao động có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tính không đúng mức tiền lương của người lao động trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Kinh nghiệm thực tiễn của một số nước cho thấy, năng suất lao động trong thời gian làm thêm giờ thường giảm sút và dễ gây ra tai nạn lao động.
Trong mười năm tới, với mục tiêu phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hiện đại, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ cần phải tiếp tục được quan tâm đầy đủ hơn, trong đó, ưu tiên hàng đầu đối với người lao động đó là vấn đề tay nghề, năng suất lao động góp phần quan trọng cho năng suất tổng hợp của nền kinh tế. Đó là cơ sở để tiếp tục xem xét điều chỉnh thời gian làm việc giảm dần theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Trong các ý kiến phát biểu tại hội trường sáng nay, các đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn TP Đà Nẵng), Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, quy định trên hạn chế người lao động bị khai thác tối đa sức lao động.
Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) ủng hộ phương án trên nhưng đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, đảm bảo thực hiện chi trả cho thời gian làm thêm đúng theo luật định.
Về chính sách đối với lao động nữ, các ý kiến tập trung vào quy định về thời gian nghỉ thai sản. Tuyệt đại đa số các ý kiến tán thành với quy định người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 vì thấy rằng, xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được. Bên cạnh đó, phương án này bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, đề cao quyền lựa chọn của lao động nữ để phù hợp với công việc, cuộc sống của mình và bảo đảm được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.
Về tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55. Đối với một số đối tượng là người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định về tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật cơ bản giữ như hiện hành, nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo do bị suy giảm sức lao động được nghỉ hưu trước thời gian quy định và quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý, dự thảo đã thể hiện theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động này, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và lao động nữ đều là 60 để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đảm bảo an toàn lâu dài đối với quỹ bảo hiểm xã hội và thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Theo đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), quyền được lao động là bình đẳng và nên tuổi nghỉ hưu là như nhau, tức 60 tuổi. Đại biểu nêu một thực tế, nhiều lĩnh vực, những lao động nữ có trình độ tay nghề cao và vẫn đảm bảo sức khỏe nhưng đã đến tuổi về hưu, trong khi vẫn còn khả năng tiếp tục cống hiến. Hơn nữa, nhiều người đang còn sức lao động, nhưng phải về hưu nên lại phải tìm việc khác mưu sinh.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương ( đoàn Quảng Bình) đề nghị, nên quy định độ tuổi được nghỉ hưu và độ tuổi phải nghỉ hưu.
Theo CPV