Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đàn chẩn tế trong tiết Vu lan ở Tây Ninh
Chủ nhật: 23:51 ngày 18/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chẩn tế là một trong những khoa nghi quan trọng của lễ Vu lan thắng hội, trong đó “chẩn” được hiểu là cứu giúp, “tế” là tế độ muôn loài chúng sinh từ bờ mê sang đến bến giác ngộ.

Trong kinh “Vu lan - Báo hiếu” đức Phật dạy, rằm tháng bảy là ngày Tự tứ, ấy là lúc chư tăng mãn hạ an cư, đây chính là lúc thân và tâm của chư tăng/ni rất thanh tịnh nên thiết lễ cúng dường đặng nhờ chư tăng/ni chú nguyện cho cha mẹ hiện-tiền được tăng phước tăng thọ, tổ tiên quá vãng được siêu sanh tịnh độ.

Đàn chẩn tế trong lễ Vu lan chùa Phước Lưu (Trảng Bàng).

Chẩn tế là một trong những khoa nghi quan trọng của lễ Vu lan thắng hội, trong đó “chẩn” được hiểu là cứu giúp, “tế” là tế độ muôn loài chúng sinh từ bờ mê sang đến bến giác ngộ. Theo quan niệm của dân gian, tháng bảy nông lịch còn được gọi là tháng “Địa quan xá tội” hay được hiểu là thời gian cửa ngục được mở ân xá cho các vong nhân. Trong số những vong nhân này có thể có những thân bằng quyến thuộc của mình ở đời này hoặc nhiều kiếp trước, nên với lòng thương tưởng đó, các chùa ở Tây Ninh đã thiết lễ chẩn tế phổ đồng cúng dường cho các loại cô hồn, ngạ quỷ đến pháp hội lễ bái chư Phật, nghe thuyết pháp, nhận của bố thí và nương tựa công đức này được siêu sinh tịnh độ.

Pháp đàn chẩn tế được thiết trí trên giàn cao, một bàn kim đài là nơi đặt bài vị ghi dòng chữ “Cung thỉnh. Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát, Nam mô Khải giáo A Nan Đà Tôn giả. Tác đại chứng minh” và bài vị ngũ phương Phật. Sau bàn kim đài là bàn kinh sư, tiếp đến Sư tử toà (pháp toạ) là vị trí của thầy cả.

Đối diện với bàn kim đài là bàn thờ Địa Tạng bồ tát, Tiêu Diện đại sĩ, Vi Đà hộ pháp và cũng là nơi đặt bài vị cô hồn “Phụng vì tứ sanh lục đạo tam thế oan gia cựu thù chấp đối, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn”. Ở hình tượng ông Tiêu dùng giấy đỏ cắt hình lửa dán lên miệng theo tích “Khẩu trung phún hoả quỷ thần kinh”. Hai bên trái, phải của pháp đàn là bàn thờ Thập Điện Minh vương và Tứ Thiên vương.

Phẩm vật cúng thí thực trong đàn chẩn tế.

Pháp đàn bài trí nhiều phan, phướn, biểu ngữ và dùng giấy ngũ sắc để cắt đồ đàn. Các phẩm vật hiến cúng gồm có hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, gạo, muối, nước, bánh cấp, bánh cúng, bánh ít, bánh ú, giấy tiền vàng bạc, tiền lẻ cúng cô hồn… được kết thành cộ hoặc đặt trong rế để trên giàn cao.

Ban kinh sư trong nghi thức chẩn tế gồm có năm vị. Trong đó, thầy cả là vị cao tăng giới đức trang nghiêm. Một vị là duy na giữ thủ xích và chuông để ra hiệu lệnh trong lúc hành lễ, một vị duyệt chúng giữ mõ, hai vị vĩ thuận, vĩ nghịch đánh đẩu. Sau này, nhiều Ban kinh sư trong nghi thức chẩn tế có thêm hai (hoặc bốn) vị, một vị giữ linh, một vị giữ chập choã. Các vị tăng trong Ban kinh sư cùng phụ tá việc tán tụng.

Thầy cả đảnh lễ tổ sư, Ban kinh sư cúng sanh đăng thỉnh cô hồn tại bàn thờ Tiêu Diện đại sĩ. Trước bàn thờ ông Tiêu đặt chậu nước trong có thắp 3 ngọn đèn cầy, sau khi vị sư đọc điệp hạ thuỷ quan sẽ hoá điệp trong chậu nước.

Thầy cả niệm hương tại bàn kim đài; Ban kinh sư tán tụng thỉnh Phật. Thầy cả tâm pháp thủ ấn. Vị duy na đọc “Thỉnh sư na bộ đăng đài đợi vị cô hồn thuyết giới” có nghĩa thỉnh thầy cả lên pháp toạ vì cô hồn mà thuyết pháp.

Thầy cả thủ ấn trong nghi thức chẩn tế.

Trổi chung cổ Bát Nhã, thầy cả lên Sư tử toà quay mặt hướng vào pháp bị Sư tử tâm pháp, khi xoay mặt ra thầy cả bắt ấn Thích Ca và lần chuỗi niệm Phật. Trong lúc này, Ban kinh sư đọc một đoạn trong bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du để nêu lên ý nghĩa của nghi thức chẩn tế, đây là sự lết hợp độc đáo dùng tác phẩm trong văn học Việt Nam vào nghi thức Phật giáo. Duy na vỗ thủ xích đọc bài Hội khải Mông Sơn tối thắng duyên… Thầy cả tuyên mở pháp hội, cô hồn đến nghe thuyết pháp để nương tựa công đức này mà siêu sinh, thoát khỏi luân hồi.

Trong nghi thức chẩn tế có 13 câu thỉnh đã nêu rõ 12 loại cô hồn và câu thỉnh chung. Ngoài ra, nghi thức cũng có phần quy y tam bảo. Khi phật tử quy y thì tiêu diệt được cảnh khổ địa ngục, loài hữu tình quy y thì tiêu diệt được cảnh khổ ngạ quỷ, cô hồn quy y thì tiêu diệt được cảnh khổ bàng sanh.

Một vị trong Ban kinh sư đến bàn thờ Tiêu Diện Đại sĩ thực hiện phần Nhữ đẳng, đây là thần chú gia trì làm cho thức ăn cúng thí thực biến hoá ra đầy khắp mười phương để tất cả cô hồn đều chung hưởng và nguyện cho cô hồn được no đủ, lìa bỏ tham lam, mau thoát đường khổ, nương theo Phật pháp, quy y tam bảo để cùng thành tựu Phật đạo.

Khi này, lửa trên miệng ông Tiêu được tháo xuống, thầy cả gia trì và phóng tiền, gạo, hoa thí thực cho cô hồn. Lửa trên miệng ông Tiêu được sự gia trì của thầy cả, theo quan niệm dân gian vật này rất linh thiêng có thể trừ tà, trị bệnh khóc đêm của con nít nên những người dự trong pháp hội đến xin hoặc được các sư chia nhỏ ra để cho.

Phần Phục dĩ văn trong nghi thức được Ban kinh sư đọc lên với ý nghĩa thức tỉnh các loài cô hồn- khi nghe Phục dĩ xong quáng mắt sẽ tiêu tan và được thanh tịnh sáng suốt trọn vẹn.

Phật tử tham dự nghi thức chẩn tế trong tiết Vu lan.

 Nghi thức Chẩn tế hoàn mãn, thầy cả bắt ấn Viên mãn phụng tống tiễn các cô hồn, Ban kinh sư đọc Bách tự chú, tán Cứu khổ du già kinh và hồi hướng công đức. Kết thúc nghi thức, Ban kinh sư đọc câu “Thượng lai tu thiết Mông Sơn cam lồ pháp thực nhứt diên công đức viên mãn, phổ triêm sa giới, hoà nam thánh chúng”- được hiểu là trên đây công đức thiết lập buổi pháp thực cam lồ Mông Sơn đã thành tựu trọn vẹn, thấm nhuần khắp thế giới.

Bằng các điệu tán, tụng và nhạc lễ theo hiệu lệnh của thủ xích, câu kinh, bài kệ có trầm có bổng, có tiếng nhạc nghe thâm u trầm lặng, gợi nhớ gợi thương như tha thiết cầu nguyện và dễ đi vào lòng người, những lời khai thị sâu sắc nhắc nhở đại chúng cũng như chúng cô hồn thức tỉnh và trở về Phật pháp.

Hơn nữa, nghi thức chẩn tế cũng tạo mối đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa các chùa với nhau nhiều hơn qua việc thành phần một Ban kinh sư thường gồm nhiều chùa tập hợp. Hiện nay, ở Tây Ninh có nhiều Ban kinh sư được thành lập, tiêu biểu có ban gồm các sư Thiện Chánh (chùa Phước Lưu), sư Quảng Thành (chùa Linh Sơn), sư Thiện Long (chùa Giác Nguyên) ở thị xã Trảng Bàng; sư Huệ Trí (chùa Linh Sơn Thanh Lâm), sư Thiện Luận (chùa Phước Ân), sư Huệ Đạt (chùa Bửu Nguyên) ở huyện Gò Dầu, sư Tịnh Vân (chùa Linh Sơn Tiên Thạch), sư Niệm Thắng (chùa Hiệp Long) ở thành phố Tây Ninh... Ở tại chùa, các sư có mở lớp dạy về khoa nghi ứng phú đã đào tạo ra nhiều thế hệ tiếp nối ở Tây Ninh và nhiều vùng lân cận trong và ngoài tỉnh.

Nghi thức chẩn tế có nội dung cảnh tỉnh thế gian hồi đầu hướng thiện, làm dày thêm ý nghĩa trong tiết Vu lan báo hiếu thể hiện tấm lòng tri ân đến hai đấng sinh thành và tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên - một truyền thống văn hoá tốt đẹp của đạo Phật nói riêng và của người Việt Nam nói chung.

Phí Thành Phát

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục