Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và đại diện 45 người dân trên địa bàn tỉnh được tổ chức ngày 31.12.2016. Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh uỷ- Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành, huyện và thành phố.
Lãnh đạo tỉnh trong buổi đối thoại với nhân dân.
NÔNG NGHIỆP: NÔNG DÂN SẢN XUẤT CÁI MÌNH CÓ
Sau khi lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi và trả lời 11 câu hỏi trong tổng số 70 câu hỏi mà người dân gửi về UBND tỉnh.
Vấn đề đầu tiên được ông Võ Đức Trong nêu ra tại cuộc đối thoại là giá cả nông sản, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, giá sản phẩm phải tuân theo quy luật, theo tiêu chuẩn của thị trường. Để có thể ổn định được thị trường, phải có sản phẩm đồng bộ, sản xuất theo quy mô hàng hoá. “Nông dân vẫn đang sản xuất theo cái mình có, chưa gắn với nhu cầu thị trường” - ông Trong nhận định.
Đối với cây mía, cây mì, ông Trong đánh giá, hiện nay, năng lực chế biến cao hơn năng lực sản xuất, kể cả sản phẩm cây cao su. Do đó, các nhà máy chế biến đang cạnh tranh gay gắt với nhau để thu mua nguyên liệu. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết, thời gian tới, có thể chuyển một số diện tích đất trồng cây công nghiệp sang cây ăn trái.
Liên quan đến các loại dịch bệnh đối với cây khoai mì, trên cả nước, chỉ riêng cây mì ở Tây Ninh là bị dịch bệnh. Tuy nhiên, năng suất cây mì ở Tây Ninh thuộc hàng cao nhất nhì thế giới (khoảng hơn 32 tấn/ha), chỉ sau Ấn Độ. Ông Võ Đức Trong cũng cảnh báo, nếu tiếp tục trồng theo mô hình nhỏ lẻ như hiện nay, cây mía Tây Ninh sẽ không cạnh tranh được với Thái Lan. Giá đường Thái Lan thấp hơn Việt Nam là do năng suất mía cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, Tây Ninh sẽ có từ 1 - 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, địa phương nào có sự chuẩn bị tốt sẽ được ưu tiên đầu tư, chứ không chọn xây dựng nông thôn mới theo kiểu xã điểm nữa.
Tham dự buổi đối thoại, một số người dân nêu ý kiến, bày tỏ sự lo ngại về thị trường nông sản, nông dân vẫn chưa thoát tư duy làm theo phong trào. Một người dân đến từ Tân Châu đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng làm rõ những vấn đề liên quan đến cơ chế đất đai ở nông trường. Đại diện đến từ xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng kiến nghị chính quyền các cấp xem xét giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân ở đây.
Liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm, một người dân cho rằng, việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là do lòng tham của con người. Người dân này hiến kế: Mỗi người dân Tây Ninh góp 10 ngàn đồng để mua cho mỗi huyện một máy kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm, và đã đến lúc cần xem xét xử lý hình sự đối với cá nhân, tập thể vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ý kiến của một nông dân ở Trảng Bàng, lãnh đạo ngành Nông nghiệp đã làm được nhiều việc nhưng nông dân, nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm. Với Chương trình xây dựng nông thôn mới, ý kiến đến từ xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu băn khoăn, những công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới, nếu xuống cấp, hư hỏng thì kinh phí đâu để sửa?
Ông Võ Đức Trong đã lần lượt trả lời, giải trình những vấn đề do người dân nêu. Trong đó, đáng chú ý là, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xem xét việc dùng nhà văn hoá xã, ấp làm điểm bán sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn, sạch cho người dân. Về những công trình hạ tầng nhằm xây dựng nông thôn mới, nếu xuống cấp, hư hỏng, cấp nào quản lý, cấp đó sửa.
Người dân phát biểu ý kiến tại hội trường UBND tỉnh.
GIAO THÔNG: SẼ XÂY CẦU CHO 3 XÃ CÁNH TÂY TRẢNG BÀNG
Lĩnh vực thứ hai được đề cập trong buổi đối thoại là giao thông - vận tải. Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GT-VT trả lời 16 câu hỏi liên quan lĩnh vực ngành quản lý.
Trước ý kiến của người dân Hoà Thành đề nghị làm mới hoàn toàn đường Trần Phú, ông Tài cho biết, tuyến đường này sẽ được khởi công năm 2019. Người dân xã Trà Vong (Tân Biên) đề nghị nâng cấp khẩn trương quốc lộ 22B đoạn đi qua xã này, vì đường xuống cấp nghiêm trọng. Ông Tài thông tin, tuyến đường này do Bộ GT-VT quản lý, năm 2017, Bộ sẽ tiến hành sửa chữa. Liên quan ý kiến đề nghị đầu tư xây cầu nối ba xã cánh Tây ở Trảng Bàng, ông Tài cho biết, năm 2018 sẽ khởi công xây cầu, hiện nay chưa làm được vì kinh phí rất lớn.
Về tình hình tai nạn giao thông, ông Tài thông tin, năm 2016, Tây Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về kéo giảm tai nạn giao thông, số người chết giảm 39%- một tỷ lệ rất cao.
Về xây dựng đô thị, người dân đến từ huyện Dương Minh Châu kiến nghị cần xây dựng đường vành đai ở Thị trấn, không nên cho xe tải đi vào trung tâm. Một ý kiến khác cho rằng, trung tâm huyện Dương Minh Châu vẫn còn nhiều đất công, có thể xem xét vấn đề đổi đất lấy hạ tầng, không nên để lãng phí.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết, một số vấn đề ở huyện này sẽ từng bước được giải quyết. Riêng ở khu vực cầu Xa Cách, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết sẽ xây dựng công viên ở đây để người dân có nơi vui chơi giải trí.
Một người dân huyện Hoà Thành nhưng có đất sản xuất ở Châu Thành đề nghị UBND tỉnh và huyện Châu Thành kêu gọi người dân không để lục bình trong vườn, ao, ruộng nhà mình trôi ra sông nữa, góp phần tạo sự thông thoáng cho sông Vàm Cỏ Đông.
Một ý kiến đến từ TP. Tây Ninh đề nghị UBND tỉnh nên tổ chức đối thoại thường niên mỗi năm 1 lần, hằng quý tổ chức đối thoại theo chuyên đề. Người dân này cũng đề nghị khẩn trương sửa chữa đường Trưng Nữ Vương vì đường hẹp, xuống cấp (Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân trả lời ngay: năm 2017 sẽ khởi công, nâng cấp).
Tây Ninh tăng cường thu hút đầu tư nông nghiệp. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân ký kết thoả thuận hợp tác với thành phố Gimhae (Hàn Quốc).
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CẤP SỔ ĐỎ
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, theo quy định, mỗi năm ngành Môi trường chỉ có quyền kiểm tra doanh nghiệp một lần (kiểm tra chính thức). Ông Xuân kêu gọi người dân, các cơ quan báo chí nếu phát hiện doanh nghiệp nào xả thải trái phép, cứ gọi đến đường dây nóng của Sở, kể cả ban đêm.
Trả lời ý kiến về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, riêng huyện Tân Châu, năm 2017 thực hiện xong việc cấp sổ đỏ cho người dân.
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân hoan nghênh ý kiến của người dân. Những vấn đề mà đại diện người dân nêu rất thiết thực, cụ thể, đầy tinh thần xây dựng. Đối với những nội dung chưa thể trả lời trực tiếp, Chủ tịch yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố có văn bản trả lời cụ thể cho dân biết.
Chủ tịch cho biết thêm, năm 2016, tỉnh có nhiều khó khăn như thời tiết (đầu năm nắng gay gắt, cuối năm lại mưa lụt ở nhiều nơi). Trong lĩnh vực giao thông, tuy được tập trung đầu tư nhưng còn bất cập, thiếu đồng bộ, chất lượng công trình cũng còn những vấn đề cần quan tâm. Chủ tịch cũng cho biết, năm 2017, tỉnh sẽ tập trung giải quyết nhiều vấn đề lớn, trong đó huy động nguồn lực để làm một số tuyến đường, cầu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế.
Đối với vấn đề phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, năm 2016, ngành này đã có những chuyển biến rõ nét, dù vẫn còn những thách thức, khó khăn. Tây Ninh cũng đã tiếp xúc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ) để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Chủ tịch khẳng định, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến lĩnh công tác bảo vệ môi trường, “mong bà con nông dân tham gia, giám sát, cung cấp thông tin về các hành vi gây ô nhiễm môi trường”.
Về y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong ít ngày tới (dự kiến ngày 6.1.2017), nếu không có gì thay đổi, tỉnh sẽ ký kết với một nhà đầu tư để xây dựng một bệnh viện hiện đại tại Tây Ninh.
VIỆT ĐÔNG
(lược ghi)