Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dân chủ trực tiếp - Thể chế nào cũng vận hành theo luật pháp
Thứ sáu: 10:56 ngày 26/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau buổi làm việc tại UBND thị xã Hoà Thành, ngày 25.4, đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Triệu Văn Cường dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về thực hiện pháp luật dân chủ trực tiếp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu kết luận buổi giám sát.

Bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ

Báo cáo với đoàn công tác, UBND tỉnh cho biết, việc thực hiện pháp luật về dân chủ trực tiếp được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, các luật, nghị định của Chính phủ. Dân chủ trực tiếp là phương thức vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thời gian qua, việc thực hiện pháp luật dân chủ trực tiếp tại địa phương đạt được một số kết quả như sau: Công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và bầu cử trưởng ấp, khu phố được cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh quán triệt, triển khai kịp thời. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong các kỳ bầu cử rất cao (kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,82%).

Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các cơ quan thông tin, truyền thông các cấp trong tỉnh kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6 Hiến pháp năm 2013), bằng hình thức họp cộng đồng dân cư, phát phiếu lấy ý kiến. Các vấn đề thuộc phạm vi Nhân dân quyết định đều được tỉnh đưa ra công khai để người dân bàn bạc, quyết định. 

Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, chính quyền các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc phản biện xã hội trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch kinh tế - xã hội hằng năm, các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội có ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Giai đoạn 2013-2023, hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh thực hiện phản biện xã hội 591 nội dung.

Công tác tiếp công dân, giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân được tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đều xây dựng quy chế tiếp công dân và thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định. Năm 2023, toàn tỉnh tiếp 2.046 lượt/1.815 người/1.529 vụ việc. Tất cả các khiếu nại, tố cáo được các cấp giải quyết, xử lý kịp thời, triệt để, tỷ lệ giải quyết đạt trên 79% (một số vụ việc có tính chất, mức độ phức tạp, chưa giải quyết ngay trong thời gian quy định).

Triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các quy định pháp luật liên quan, các chủ trương đầu tư, các chính sách trước khi ban hành đều được các cấp, ngành, địa phương công khai, minh bạch, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo đúng quy định pháp luật.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc.

Vẫn còn khó khăn, hạn chế trong thực hiện dân chủ trực tiếp

UBND tỉnh nêu, về khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thi hành pháp luật về dân chủ trực tiếp có một số điểm lưu ý như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND dùng tên gọi ‘hòm phiếu” trong khi một số địa phương quen sử dụng từ “thùng phiếu”, điều này ít nhiều gây trở ngại khi tập huấn, tuyên truyền việc bỏ phiếu bầu vì người dân quen sử dụng từ thùng phiếu.

“Việc quy định thời gian kiểm phiếu ngay sau kết thúc bầu cử (sau 19 giờ cùng ngày) thực tế cho thấy có một số tổ bầu cử thành viên lớn tuổi, sức khoẻ kém, số lượng cử tri nhiều thì mức độ chính xác của việc kiểm phiếu không cao, dễ dẫn đến sai sót. Những tổ bầu cử nếu đã đạt 100% cử tri đi bầu thì nên cho kiểm phiếu sớm, không phải kéo dài đến 19 giờ mới bắt đầu kiểm phiếu” – UBND tỉnh kiến nghị.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, UBND tỉnh nêu một số nội dung về cơ cấu bộ máy, hoạt động giám sát, chất vấn, thẩm tra, trình tự thông qua nghị quyết, đề án, báo cáo... trong Luật chưa thống nhất với các văn bản luật khác (như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành Văn bản QPPL...); một số nội dung khác chưa có quy định cụ thể trong Luật như thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; việc uỷ quyền cho Thường trực HĐND, quy định về quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức một số chức danh do HĐND bầu; bãi bỏ văn bản cấp dưới; lấy phiếu tín nhiệm.

Theo quy định hiện nay, cơ cấu tổ chức HĐND cấp xã còn một số bất cập như: không có Tổ đại biểu HĐND cấp xã gây khó khăn trong các hoạt động thảo luận, xem xét báo cáo được trình HĐND tại kỳ họp, trong công tác tổ chức tiếp xúc cử tri ở địa phương và các hoạt động khác; đại biểu HĐND cấp xã đa số hoạt động kiêm nhiệm, chất lượng đại biểu chưa đồng đều, biến động về số lượng đại biểu trong nhiệm kỳ đôi lúc ảnh hưởng đến hoạt động của HĐND.

Đối với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo UBND tỉnh, quy định thành lập, tiêu chuẩn thành viên và nhiệm vụ, quyền hạn Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại Điều 41, 42, 43 rất khó tổ chức thực hiện trong thực tế, vì ở cộng đồng dân cư khó có người đảm bảo tiêu chuẩn tham gia. Nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng không khả thi trong thực hiện một số nội dung tại khoản 1 Điều 43 như theo dõi giám sát sự phù hợp của chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn xã.

Về Luật Khiếu nại, UBND tỉnh kiến nghị: quy định thời hiệu khiếu nại chưa đồng bộ với Luật Tố tụng hành chính, gây khó khăn cho công tác thi hành quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật của các cơ quan có liên quan…

Thành viên đoàn công tác phát biểu ý kiến

Dân chủ trực tiếp là an dân

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp nhìn nhận, việc thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở, khâu tuyên truyền cần chú trọng nội dung để thu hút sự tham gia của người dân, vì hiện nay thông tin phong phú, người dân lên mạng xã hội chỉ xem những gì mình thích.

Ông Hoàng Quốc Long- Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên nói, việc thực hiện dân chủ trực tiếp liên quan quan đến “một rừng luật”. Việc tổng kết, đánh giá, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, qua đó phát hiện những điều không còn phù hợp để điều chỉnh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Triệu Văn Cường đánh giá cao những kết quả của Tây Ninh trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp, đề nghị Tây Ninh bổ sung những việc đã làm được trong thực tế vào báo cáo để đoàn công tác có thêm thông tin.

“Đánh giá kết quả thực hiện dân chủ trực tiếp là đánh giá sự hài lòng của người dân, thể chế nào cũng phải vận hành theo luật pháp”- Thứ trưởng Triệu Văn Cường nói.

Đoàn khảo sát lưu ý, trong việc sáp nhập đơn vị hành chính cần lấy ý kiến của dân, lắng nghe người dân. Thực tế cho thấy, đã từng có chuyện người dân không tán thành chuyển đơn vị hành chính khu vực nông thôn lên thành thị, vì e ngại chi phí học hành, chi phí giao thông cao. Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị Tây Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về dân chủ trực tiếp, trong đó đặc biệt chú ý đến những vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục