Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo ông, dân trí nước ta hiện nay cao hay thấp?
- Theo ông, dân trí nước ta hiện nay cao hay thấp?
- Nếu xét về tỷ lệ học vấn, dân trí Việt Nam hiện nay khá tốt, cao hơn hồi mới giải phóng. Bằng chứng là, xem truyền hình, đọc báo ta thấy những người được phỏng vấn, trả lời phỏng vấn thường là có học hàm, học vị cao; những người viết bài đăng báo, tạp chí hoặc chuyên san cũng thế, bao giờ trước họ và tên cũng thường thấy mấy chữ: “thạc sĩ”, “tiến sĩ”, “giáo sư”, “phó giáo sư”... Nói chung là… rất là nhiều cũng như trong dân bây giờ có rất nhiều quan!
- Xí xí chỗ này! Tui đang hỏi ông về dân trí, ông lại đá sang “quan”! Mà dân là dân, quan là quan chớ sao có quan lẫn trong dân được; mặt khác, khi về hưu người ta thường gọi cựu quan là “nguyên”: nguyên chủ tịch, nguyên tổng giám đốc, nguyên uỷ viên ban chấp hành… chớ đâu có gọi theo chức danh những ngày tại chức!
- Có đấy! Tui có rất nhiều ông bạn cựu chiến binh, cựu công an khi về hưu vẫn lon lá đầy đủ trong những ngày lễ hoặc đại hội! Các ông ấy không còn chức nhưng cấp tá, cấp tướng vẫn y nguyên; cũng như bác sĩ, luật sư về hưu không còn khám, chữa bệnh, không còn đi… cãi nữa thì vẫn cứ là bác sĩ, luật sư cho tới xuống mồ, trên mộ bia vẫn ghi trước họ và tên cấp quân hàm tướng, tá… hoặc bác sĩ, luật sư…
- Nghề báo của ông cũng vậy chớ khác gì, về hưu không viết nữa cũng vẫn gọi “nhà báo” hay như tui đây, về hưu rồi vẫn là “nhà giáo”… Mà nãy giờ chúng ta… lạc đề rồi, đề tài hôm nay là dân trí!
- Như trên tui đã nói, nếu xét về lượng, dân trí Việt Nam hiện nay khá tốt!
- Vậy còn về chất?
- Ông hãy nhìn vào các lễ hội đầu năm: Ai? Việc gì? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Ðài báo họ nói, viết, đăng video clip hình ảnh đầy cả ra đấy: cán bộ, công chức đóng cửa cơ quan, sử dụng xe công đi viếng đền, chùa, dâng sớ, đốt vàng mã, dự lễ hội để cầu chức, cầu tài, cầu lộc trong giờ hành chính năm nào mà chả có.
“Nhiều năm nay ở Hà Nội, có ngôi chùa đã công khai đọc vào loa phát thanh tên các vị lãnh đạo cấp cao đăng ký dâng sao giải hạn mà không còn e ngại. Và giờ đây, nếu có nghe chuyện vị lãnh đạo nọ kia chăm đi lễ bái, cầu cúng... hay thậm chí có làm lễ trình đồng mở phủ hầu bóng thì cũng không lấy gì làm lạ” (1).
- Ðảo Côn Lôn phía Nam nước mình có mộ cô Võ Thị Sáu, một đồn trăm, trăm đồn ngàn, ngàn đồn vạn là nổi tiếng linh thiêng, cầu tài, lộc, quan, hôn, con cái gì cũng ứng nghiệm, cho nên nhiều người dân từ Hà Nội (đa số là doanh nhân, cán bộ có cỡ) cũng đi máy bay vào Tân Sơn Nhứt, rồi lên máy bay nhỏ bay ra Côn Ðảo chỉ để cúng cô Sáu (không tham quan các di tích khác) rồi lại bay vào Tân Sơn Nhứt, lên máy bay lớn bay ra Hà Nội ngay!
- Thực trạng “dân trí” bị “bí” như thế thì làm sao “chấn dân khí” (2) được hở ông?
- Ðó là một thứ “diễn biến” (chưa biết đặt tên gì) rất đáng sợ, mức độ nguy hiểm không thua “diễn biến hoà bình” đâu ông ạ! Cá nhân tui suy nghĩ vậy, ông không chịu thì cứ… cãi!
THIÊN HẠ
-----------
(1): TuanVietnam.net, 25.2.2014 02:00 GMT+7
(2): Từ câu nói của cụ Phan Châu Trinh: “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”