Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dân vận khéo - phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc
Thứ sáu: 07:04 ngày 09/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến khu phố, từ tổ chức đến cá nhân đã thể hiện được sức mạnh của cả tập thể trên mọi lĩnh vực.

CLB Quần vợt Hải Ðăng ủng hộ tiền cho công tác phòng dịch Covid-19 tại UBMTTQVN tỉnh.

Công tác dân vận được xem là cơ sở ban đầu quyết định thành công trong các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến khu phố, từ tổ chức đến cá nhân đã thể hiện được sức mạnh của cả tập thể trên mọi lĩnh vực.

Dân vận chính quyền: hướng đến sự hài lòng của người dân

Dân vận chính quyền đơn giản là cán bộ nâng cao được trách nhiệm, lắng nghe người dân để làm tốt hơn công việc của mình. Từ đó, làm thay đổi nhận thức của người dân về chính quyền một cách đúng đắn, tốt đẹp hơn. Chính quyền các cấp là cơ quan thường xuyên trực tiếp làm việc với người dân. Do đó, công tác dân vận chính quyền là trọng tâm trong công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Thời gian qua, chính quyền, cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, làm chuyển biến trong cán bộ, công chức, viên chức về tinh thần trách nhiệm với công việc. HÐND, UBND đã cụ thể hoá thành nhiều cơ chế chính sách quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương, cơ quan đưa nội dung công tác dân vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Các mô hình, phong trào như cán bộ, công chức nói không với tiêu cực; nâng cao chuẩn mực đạo đức, phong cách của cán bộ, công chức phường, xã đối với nhân dân; công tác dân vận chính quyền với bộ phận Một cửa… được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Trong phong trào thi đua, nội dung thực hiện tốt công tác dân vận là một trong những tiêu chí được đưa vào để đánh giá, phân loại, khen thưởng.

Hiệu quả của công tác dân vận chính quyền thể hiện rõ ở những con số trong thực hiện cải cách hành chính. Các thủ tục hành chính (TTHC) được công khai, minh bạch tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử tỉnh, các sở, ngành, UBND các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết. Việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử làm tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn. Tất cả các TTHC của các sở, ngành (trừ thủ tục đặc thù) được nhận và giao trả tại Trung tâm hành chính công, giúp kéo giảm tỷ lệ trễ hẹn xuống còn 1,4% so với ban đầu.

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm, tập trung giải quyết ngay tại cơ sở, hạn chế xảy ra điểm nóng. Các vụ việc được cơ quan chức năng giải quyết, xử lý đúng theo quy định của pháp luật, đạt trên 94% các vụ việc được xử lý. Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát hơn 2.200 cuộc, phản biện 43 cuộc và góp ý cho hơn 2.500 vấn đề.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Tây Ninh từ năm 2015-2019 tăng 35,74 điểm lên 42,38 điểm. Ðiều này cho thấy, công tác dân vận chính quyền ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng vào thay đổi tư duy và hành động của cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm thực thi công vụ. Từng tổ chức, cơ quan, đơn vị đều hướng đến việc phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng.

“Dân vận khéo” trên mọi mặt trận

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai sâu rộng, hiệu quả. Với chủ trương hướng về cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “gần dân, sát cơ sở”, hoạt động dân vận đã thực sự huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân.

Những mô hình hay, cách làm mới cũng được các địa phương xây dựng sáng tạo, thiết thực. MTTQ có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Tây Ninh chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, và gần nhất là kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 đã phát huy được nội lực, tác động tích cực đến xã hội.

Công đoàn có phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” góp phần phát triển kinh tế xã hội. Các mô hình của Hội Nông dân, Ðoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN các cấp... góp phần vào công tác an sinh xã hội.

Lực lượng vũ trang ngoài việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ bờ cõi biên cương, còn thực hiện tốt công tác dân vận. Với phương châm “Mỗi cán bộ, đảng viên, quân nhân là một chiến sĩ dân vận”, hằng năm, các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp với địa phương ra quân làm đường giao thông nông thôn, tu sửa các công trình công cộng, nhà ở của người dân... tạo niềm tin vững chắc của dân vào quân, thắt chặt sự gắn kết quân - dân.

Ðồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo ngày càng tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước như: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ấp, khu phố không có tệ nạn xã hội; xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh... góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Trong những ngày cả nước đối mặt với đại dịch Covid-19, với sự tuyên truyền của các địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đã chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội. Các nghi lễ tôn giáo hằng ngày, các lễ hội lớn của dân tộc, tôn giáo được đồng bào, tín đồ đồng thuận dừng thực hiện nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. 

Ông Nách Chan- người uy tín của đồng bào Khmer ấp Kà Ốt, xã Tân Ðông, huyện Tân Châu cho biết, năm nay Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer rơi vào đúng thời điểm đại dịch bùng phát trên thế giới và cả nước. Do đó, ông đã vận động đồng bào Khmer ở ấp cùng chấp hành tốt các quy định của Nhà nước.

“Năm mới, bà con mong được tổ chức nghi lễ truyền thống lắm, được vô chùa dự lễ, dâng cơm cúng cho sư, tập trung vui chơi. Nhưng khi nghe nói bệnh nguy hiểm, bà con đều đồng ý đón tết ở nhà”- ông Nách Chan cho biết.

Bằng cách thực hiện “Dân vận khéo”, các địa phương, tổ chức, cá nhân đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống. Từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình trong công tác dân vận.

Ðó là anh Cao Mộng Hùng- chủ đại lý vé số Cao Hùng ở phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng đã vận động công ty vé số các tỉnh cùng ông chung tay với Trảng Bàng xây dựng 230 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, tặng nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Cụ Võ Thị Dình (xã Thanh Ðiền, Châu Thành) năm nay 78 tuổi vẫn hết lòng tham gia cùng địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền. Bà tiết kiệm số tiền ít ỏi tuổi già đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội để tặng gạo cho người nghèo, tặng học bổng Trần Thị Sanh cho học sinh nghèo hiếu học...

Cán bộ Hội LHPN thị xã Hoà Thành tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch Covid-19

Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên đến chiến sĩ, nông dân đều là một cán bộ dân vận. Mỗi cá nhân, đơn vị sẽ có những cách làm riêng nhưng đều hướng đến mục đích: phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

N.D

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục