BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 91 năm ngày Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15.10.1930-15.10.2021)

Dân vận khéo - phương thức hiệu quả vượt qua đại dịch 

Cập nhật ngày: 15/10/2021 - 09:33

BTNO - Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác dân vận được Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác vận động quần chúng thay đổi cách thức tổ chức. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác dân vận phát huy vai trò, hiệu quả, góp phần không nhỏ để Tây Ninh vượt qua đại dịch.

Lực lượng vũ trang tỉnh chuẩn bị quà tặng cho người dân xã Hảo Đước, huyện Châu Thành.

Việc đầu tiên được đặt ra là đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở trong quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi cá nhân để khống chế và kiểm soát dịch bệnh. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp triển khai các chủ trương, giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức. 

Thông qua các diễn đàn mạng xã hội như Facebook, Zalo, Mocha từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân. Kết quả, đã đăng tải 6.500 tin, bài, với 400 ngàn lượt tương tác; phát tờ rơi các loại 227.500 tờ với các nội dung liên quan đến tuyên truyền phòng, chống Covid-19 và các hoạt động tình nguyện, ra quân làm công tác dân vận. 

Cùng với đó, các địa phương đã vận động trên 50 trang, nhóm facebook gỡ bỏ, không đăng tải nội dung video clip có nội dung tuyên truyền xấu độc, ảnh hưởng đến tư tưởng nhân dân và công tác phòng, chống dịch. Báo Tây Ninh, Đài PT-TH tỉnh đăng tải, phát sóng hàng ngàn tin, bài phản ánh tình hình phòng, chống dịch, những gương điển hình vượt qua khó khăn, những tấm lòng nhân ái sẵn sàng sẻ chia khó khăn với chính quyền địa phương...

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các Tổ dân cư tự quản, Tổ Covid-19 cộng đồng tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở tăng cường tuyên truyền đến từng hộ gia đình, ấp, khu phố, hộ kinh doanh, chợ.

Đặc biệt, các địa phương tăng cường tuyên truyền cho công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo bằng loa cầm tay, hệ thống xe loa lưu động để người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần phòng, chống đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả.

Cán bộ, hội viên Hội LHPN huyện Châu Thành gói 400 đòn bánh tét tặng lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 trên biên giới.

Tỉnh đoàn tổ chức cho 127 tình nguyện viên tham gia trực 9 chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào tỉnh; tham gia hỗ trợ khai báo y tế; nhập liệu khai báo y tế, hỗ trợ lấy mẫu, truy vết lưu động theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. 

Liên đoàn Lao động tỉnh vận động 42 đoàn viên công đoàn tham gia tổ nhân sự hỗ trợ phòng chống Covid-19 cho Thị xã Hòa Thành, huyện Gò Dầu. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cử 3 nhân viên y tế thuộc Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 để tăng cường cho các cơ sở xét nghiệm...

Chị Nguyễn Thị Phượng (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) một trong hàng ngàn người dân tình nguyện cùng chính quyền địa phương tham gia công tác phòng, chống dịch. Chị Phượng là đầu bếp nấu ăn ở một nhà hàng, gia đình chị cũng làm dịch vụ nấu ăn.

Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, công việc bị gián đoạn. Từ tháng 4.2020 đến nay, chị Phượng tích cực hỗ trợ Hội LHPN huyện Châu Thành trong công tác hậu cần, đảm nhiệm vai trò “đầu bếp chính” cho bếp ăn của Hội. 

“Lúc đầu, chủ yếu nấu ăn cho người dân đang cách ly tập trung, nhưng trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, không chỉ có người cách ly mà còn có cả lực lượng trực chốt, y tế tham gia lấy mẫu... nên khẩu phần tăng nhiều. 1 ngày trung bình nấu khoảng 300-350 suất”, chị Phượng cho biết.

Ủy ban MTTQVN tỉnh tiếp nhận tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 từ các tổ chức, cá nhân.

Trên địa bàn phường Long Thành Bắc (thị xã Hòa Thành) những ngày qua, Khối vận vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung tay lo cho người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Anh Võ Đức Tín- chủ quán ăn Nhà Ngói tích cực ủng hộ địa phương chăm lo cho người nghèo. Với hàng trăm phần quà gồm gạo, mì gói, rau củ quả, anh cho xe chở phát tận tay người nghèo.

Bà Nguyễn Thị Tám bán vé số dạo được nhận quà hỗ trợ cho biết, những ngày giãn cách, vé số không phát hành, bà không có nguồn thu nhập nào khác. “Được phường quan tâm, tặng gạo, tiền nên tôi cũng yên tâm ở nhà, chờ khi nào có thông báo cho bán vé số để đi bán có thu nhập lo cho gia đình”, bà Tám nói. 

Lực lượng vũ trang hỗ trợ hơn 35 tỷ đồng cho công tác chăm lo đời sống người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh, hỗ trợ Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh 6 tấn gạo, 12 tấn rau, củ, quả các loại.

Đại tá Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh đã trích từ nguồn tăng gia sản xuất của đơn vị, vận động mạnh thường quân tổ chức hàng chục “gian hàng 0 đồng”, hàng trăm lượt “chuyến xe 0 đồng” để kịp thời hỗ trợ, chi viện cho lực lượng chống dịch ở tuyến đầu và nhân dân ở các vùng khó khăn, vùng biên giới, khu cách ly phong tỏa… Những phần quà tuy giá trị vật chất không nhiều, nhưng giá trị to lớn về tinh thần, thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong đại dịch.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc tặng vật tư y tế cho tỉnh Tây Ninh.

“Dân vận khéo” đã trở thành phương thức hiệu quả, huy động sức mạnh của toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chúng ta vượt qua mọi thử thách, đặc biệt vượt qua đại dịch Covid-19 lần này.

Ngọc Diêu