Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đảng Cộng sản Việt Nam và sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền trong điều kiện mới 

Cập nhật ngày: 16/02/2024 - 11:46

BTN - Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đảng duy nhất lãnh đạo mà còn là đảng cầm quyền. Là đảng duy nhất lãnh đạo và duy nhất cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình.

Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17.11.2022 “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đọan mới” (Nghị quyết 28). Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đảng duy nhất lãnh đạo mà còn là đảng cầm quyền. Là đảng duy nhất lãnh đạo và duy nhất cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền

Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”. Một trong những nội dung nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất nhiệm kỳ Đại hội XIII là “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”. Như vậy, tới Đại hội XIII của Đảng, đã xuất hiện một khái niệm mới: phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Trong “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Điều lệ Đảng được Đại hội X của Đảng thông qua cũng khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”. Vì vậy, không phải chỉ đến khi xuất hiện khái niệm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới quan tâm đến việc thực hiện vai trò cầm quyền của Đảng, nhưng rõ ràng khi xác lập rõ vai trò này sẽ giúp Đảng xác định rõ hơn, cụ thể hơn các nhiệm vụ, giải pháp.

Hiểu một cách thông dụng nhất thì “lãnh đạo” là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện, còn “cầm quyền” là nắm giữ chính quyền. Khác với nhiều chính đảng ở các nước trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chức năng lãnh đạo trước khi cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 và từ đó đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh giành được chính quyền năm 1945. Như vậy, phải sau 15 năm ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam mới chính thức trở thành đảng cầm quyền.

Như vậy, trước khi có chính quyền, phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng là thông qua các tổ chức đảng và đảng viên để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Khi có chính quyền, với công cụ mạnh mẽ của chính quyền, của cả hệ thống chính trị mà Đảng lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua các cơ quan nhà nước, đảng viên của Đảng trong các cơ quan nhà nước để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong phương thức cầm quyền, ngoài cách thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục như trước đây, Đảng lãnh đạo chính quyền thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật và tổ chức Nhân dân thực hiện.

Luôn luôn tự đổi mới mình

Sinh thời, V.I.Lênin đã cảnh báo các nguy cơ của đảng cầm quyền, trong đó có nguy cơ sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời nhân dân.

Ngay sau khi trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những nguy cơ đối với đảng cầm quyền. Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” tháng 10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng mắc phải như: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Cũng trong thư này, Người đã nghiêm khắc cảnh báo: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Đảng là một thực thể sống, do đó không thể không có sai lầm, vấn đề là đảng đã dũng cảm nhận ra sai lầm và sửa chữa những sai lầm ấy. Nhìn lại lịch sử 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam và người sáng lập Đảng: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã luôn luôn tự vượt lên chính mình, khắc phục những sai lầm, đổi mới để phát triển. Một trong những dấu mốc đánh dấu rõ nét nhất chính là đổi mới đất nước được thông qua tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986). Tiến sĩ Sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về lịch sử, chính trị - xã hội Việt Nam đã đánh giá: “Hồ Chí Minh đã học tập kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười một cách sáng tạo”.

Tiến sĩ Kobelev cho rằng những sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Một là Đảng Bolshevik đã từ chối hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Hồ Chí Minh thì ngược lại, đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tất cả những người yêu nước có thể vào mặt trận này. Hai là Đảng Bolshevik chống lại tất cả các tôn giáo, nhất là Công giáo và do đó đã gây ra nguyên nhân cho một cuộc nội chiến.

Hồ Chí Minh thì ngược lại, tất cả những người theo tôn giáo đều có thể tham gia Việt Minh. Ba là, Chính phủ cách mạng Liên Xô đã tiêu diệt nhà vua và cả gia đình nhà vua Nicolas II. Hồ Chí Minh ngược lại, không tiêu diệt vua Bảo Đại mà đề nghị Bảo Đại làm Tổng cố vấn (tức Cố vấn tối cao - NV) của Chính phủ cách mạng”. Tiến sĩ Kobelev cũng cho biết: “Năm 1991, phe đối lập đã sử dụng 3 sai lầm này của Đảng Bolshevik để chống lại Chính phủ Liên Xô, trên cơ sở đó làm Liên Xô tan rã”.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Cương lĩnh ghi rõ Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

Đại hội XIII của Đảng, xác định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát;... Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Trên các cơ sở này, Nghị quyết số 28 đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng là (1) Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; (2) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; (3) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; (4) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; (5) Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và (6) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng Nhân dân tin Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam có gần 5,5 triệu đảng viên, đó là một tổ chức vô cùng lớn và đông đảo.

Vì vậy, người dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình bằng việc khi là đảng cầm quyền, chính sách, pháp luật của Nhà nước có đáp ứng được nhu cầu, lợi ích chính đáng của Nhân dân và đội ngũ đảng viên của Đảng, nhất là các đảng viên giữ các trọng trách trong các cơ quan Nhà nước có thật sự gương mẫu hay không. Đó chính là thước đo lòng dân đối với Đảng và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Vũ Trung Kiên