Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ Đại hội XII Đảng bộ Thị xã Hoà Thành:
Đảng lãnh đạo trong tâm thức người dân vùng đạo
Thứ bảy: 06:44 ngày 18/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thị xã Hoà Thành đã có rất nhiều nét đổi thay, phát triển trên đường đô thị hoá. Hy vọng rằng với định hướng mới từ Đại hội XII của Đảng bộ Thị xã, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương vùng đạo càng tăng tốc phát triển nhanh, ổn định và bền vững hơn nữa.

Trung tâm thị xã Hoà Thành. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Cách nay nửa năm, trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, khi hay tin Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về việc thành lập thị xã Hoà Thành và các phường thuộc thị xã, một người quen là viên chức trẻ ở một đơn vị của tỉnh, cư ngụ tại địa phương hỏi thăm người viết bài này:

Cháu biết chú sinh ra, lớn lên, cư ngụ tại xã nay là phường Hiệp Tân mình từ hồi nào tới bây giờ, chú có thể giải thích cho cháu biết một số điều cháu thắc mắc mà chẳng biết hỏi ai được không? -À, chuyện này còn tuỳ cháu ạ! - Tuỳ việc cháu hỏi và tuỳ sự hiểu biết của chú nữa chứ!

Hoá ra người bạn trẻ hỏi tôi, vì sao thị trấn Hoà Thành khi chuyển thành một phường của thị xã lại được đặt tên là phường Long Hoa, trong khi danh từ Long Hoa chỉ là tên của một ngôi chợ, nay là trung tâm thương mại ở thị trấn cũ.

Câu hỏi này khiến tôi phải suy nghĩ, đúng ra là… tự suy luận một lúc mới dè dặt đưa ra lời đáp: - Chú nghĩ việc đặt tên cho phường mới như thế thật ra… không phải mới mà là sự khẳng định lại một điều đã đi vào lòng dân từ lâu lắm - Tên chợ Long Hoa đã có lâu năm thì cháu biết rồi, nhưng cháu nghĩ thông thường người ta lấy tên địa phương đặt cho ngôi chợ, chứ sao đằng này… đặt ngược lại?

Vâng, những người trẻ, tuổi đôi, ba mươi hiện nay “nghĩ cái điều thông thường” ấy cũng không sai, vì lịch sử tên gọi của một địa phương không phải là chuyện người ta có thể suy đoán được.

Có điều, trước đây hơn 45 năm cả vùng đô thị của thị xã Hoà Thành từng có tên gọi là “vùng Toà Thánh - Long Hoa”, thuộc địa bàn “huyện Toà Thánh” của chính quyền cách mạng bị chế độ nguỵ Sài Gòn, tay sai đế quốc Mỹ tạm chiếm. Mà nói ra xa hơn nữa, trước khi quân xâm lược Mỹ đến miền Nam thì vùng đất này đã bị thực dân Pháp tạm chiếm trước đó suốt 80 năm.

Nghe tôi nói như thế, anh bạn trẻ lại thắc mắc: -Thế còn trước 80 năm Pháp tạm chiếm nữa thì sao? -Thì là đất đai của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam thời phong chiến chứ thì sao. Có vẻ như đến đây người nghe chuyện này chưa cảm thấy thoả mãn, nhưng không hỏi gặng tới nữa, mà lại hỏi thêm: -Vậy thì còn những tên đường như “các con đường bát quái”, hay những tên đường Cao Thượng Phẩm, Ca Bảo Đạo, Bình Dương lộ, Trung Hoà lộ, Thượng Hoà lộ, Phước Đức Cù, Quan Âm Các, Oai Linh Tiên…vân vân…nữa thì sao? Rồi một số nơi là đất nghĩa địa lại có tên là Cực Lạc Cảnh, Cực Lạc Thái Bình; một số ao, bàu, cầu, cống lại có tên là cống Kiều, là Giải Khổ Kiều, Đoạn Trần Kiều, là Tây Vức Trì, Động Đình Hồ… nữa là sao? Chú có thấy như vậy là lạ lắm không?

Người viết bài này trả lời, muốn biết căn nguyên những điều đó, cần phải mất nhiều công phu tìm hiểu, nghiên cứu trên quan điểm lịch sử cụ thể, trên tinh thần khoa học, lý luận biện chứng chứ không đơn giản. Anh bạn trẻ mỉm cười, chú có “quan trọng hoá vấn đề” không đấy? Tôi đáp, không phải là “quan trọng hoá” mà là vấn đề quan trọng thật đấy.

Bởi lẽ, với sự phát triển ào ạt của công nghệ thông tin, mạng máy tính toàn cầu internet, của mạng xã hội, thiết bị di động thông minh hiện nay, những vấn đề như bạn đặt ra không phải là khó tìm câu trả lời.

Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là hầu hết những tài liệu liên quan đến vùng đất mà người dân có đạo Cao Đài, chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở thị xã Hoà Thành, là những tài liệu xưa cũ đầy tính huyền bí, tâm linh của chủ nghĩa duy tâm, được những người đời sau đang sống ở hải ngoại diễn giải theo quan điểm cực đoan, quá khích, nên không kém phần nguy hiểm…

Điều này ở Hoà Thành từng có nhiều kinh nghiệm qua những lần giải toả thu hồi đất để mở rộng các công trình giao thông ở cửa 7, cửa 1 chợ Long Hoa, ở góc Tây Nam công viên Hoà Thành giáp đường Báo Quốc Từ tức đường Hùng Vương;  đường Lý Thường Kiệt có tên cũ là đường Ca Bảo Đạo…

Các vụ khiếu kiện liên quan đến việc giải toả ở vị trí trên hiện nay đều đã được giải quyết xong, từ đó, các dự án giao thông ấy đã được thi công hoàn thành trước khi nâng cấp đô thị Hoà Thành từ huyện “bán thị, bán thôn” lên thành thị xã.

Thật ra câu chuyện trao đổi với người bạn trẻ từ vấn đề mang tính lịch sử kể trên, tuy ít nhiều vẫn có tính thời sự liên quan đến chống luận điệu xuyên tạc trên internet, trên mạng xã hội.

Nhưng, đúng như câu “mọi thứ lý luận đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”, những việc mà lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân lương, giáo ở Hoà Thành đã làm trong những năm gần đây, đem lại sự đổi thay, phát triển bộ mặt đô thị cũng như việc ổn định tình hình văn hoá xã hội, an ninh trật tự địa phương đã khẳng định “cây đời” ở thị xã mới này đã, đang và sẽ không ngừng “xanh tươi”.

Múa rồng nhang tại Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung. Ảnh: Lê Văn Hải

Đến thị xã Hoà Thành hôm nay, người “khó tính” đến đâu cũng không thể không tỏ vẻ hài lòng. Đặc biệt là đối với người có đạo ở ngoài tỉnh, mỗi năm đến Hoà Thành một, hai lần vào các dịp đại lễ của tôn giáo Cao Đài trong nội ô Toà thánh, hay những khách du lịch đến tham quan Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen rồi về viếng Toà thánh Cao Đài, ghé trung tâm thương mại Long Hoa…

Vài năm trước, khách chỉ tấm tắc khi đi qua đường Điện Biên Phủ, tức lộ Bình Dương cũ, thì nay đã tỏ ra hài lòng khi cho phương tiện dạo quanh khu nội ô Toà thánh, đi đường Lý Thường Kiệt, tức đường Ca Bảo Đạo cũ xuống chợ Long Hoa; theo đường Nguyễn Văn Linh, tức lộ Trung Hoà cũ, đến thăm “miệt vườn trái cây” Trường Hoà, Trường Đông; hoặc từ Lý Thường Kiệt rẽ sang đường Châu Văn Liêm, tức đường Phổ Đà Sơn cũ, để ghé vào sân vận động mới của thị xã, được xây trên đất giải toả nghĩa địa Cực Lạc Cảnh, nằm giữa khu dân cư phường Hiệp Tân, mỗi khi huyện tổ chức sự kiện về du lịch, hội chợ đặc sản Tây Ninh, ẩm thực chay của người đạo Cao Đài... Chắc chắn không ai còn nhớ đến cảnh “gập ghềnh sỏi đá”, “nắng bụi mưa lầy” trên những con đường này nhiều năm về trước.

Thị xã Hoà Thành đã có rất nhiều nét đổi thay, phát triển trên đường đô thị hoá. Hy vọng rằng với định hướng mới từ Đại hội XII của Đảng bộ Thị xã, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương vùng đạo càng tăng tốc phát triển nhanh, ổn định và bền vững hơn nữa. Đạt đến điều đó, theo người viết bài này suy nghĩ, chính là Đảng bộ Thị xã Hoà Thành đã thực hiện được những điều nguyện ước của đại đa số người dân có đạo Cao Đài hằng ngày vẫn cầu mong trong bài kinh cúng tứ thời “…Tứ nguyện thiên hạ thái bình”.

Ghi chép: NGUYỄN TẤN HÙNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục