Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930-3.2.2020):

Đảng viên Nguyễn Tấn- Sắt son niềm tin theo Đảng 

Cập nhật ngày: 03/02/2020 - 09:16

BTNO - Đảng viên Nguyễn Tấn (Năm Choàng) - nguyên Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn tỉnh, nguyên Giám đốc nhà in Hoàng Lê Kha năm nay hơn 90 tuổi đời, 73 năm tuổi Đảng. Dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn đều đặn dự sinh hoạt Đảng hàng tháng tại chi bộ ấp Bình Linh (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu).

Vào Đảng giống như được sinh ra lần hai

Chúng tôi tìm đến nhà của đảng viên lão thành Nguyễn Tấn (Năm Choàng) vào một chiều đầu năm. Ban đầu chúng tôi cũng hơi e ngại vì nhân vật tuổi đã rất cao, sợ bất tiện cho nhịp sinh hoạt hàng ngày của ông. Tuy nhiên, khi gặp được ông, những suy nghĩ ban đầu ấy nhanh chóng biến mất.

Ở tuổi 90, ông Năm vẫn còn rất minh mẫn, chia sẻ khá tường tận về quá trình trưởng thành đi theo Đảng, nhất là phần lớn thời gian gắn bó với nhà in, với Báo Dân Quyền (tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay) trong những giai đoạn chiến tranh ác liệt, gian khổ nhất.

Ông Năm Choàng vẫn thường xuyên theo dõi tin tức trên Báo Tây Ninh.

Theo lời ông Năm, từ khi còn là một cậu bé 13-14 tuổi, ý thức về Đảng chưa có nhưng Năm Choàng đã tích cực tham gia các hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong. Ông cùng các thành viên của Đội biểu diễn các bài ca kháng chiến, các vở kịch đả phá chế độ cũ, nhẹ nhàng chửi đám quan lại của Pháp và được dạy các kỹ năng sơ cứu băng bó vết thương, cấp cứu đẻ rơi… để giúp đỡ người dân. Ngoài ra, còn phụ người lớn rèn mã tấu, dao găm, vót chông đánh giặc. “Khi tham gia Đội, chúng tôi được dạy rằng: dân mình khổ, làm được gì cho nhân dân đỡ khổ thì mình làm” – ông Năm cho biết.

Tới gần tổng khởi nghĩa năm 1945, Năm Choàng hoạt động ở Ban Tuyên truyền trên địa bàn xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Ông cùng các thành viên viết truyền đơn, dán cờ, buổi tối họ lấy củ từ viết trên đường gần các đồn bốt của địch, sáng ra, củ từ sẽ dính đất cát và tạo thành những dòng khẩu hiệu mà địch không thể xóa được.

Khi Pháp chiếm đóng Tây Ninh, để bảo toàn lực lượng, Ban Tuyên truyền phân tán về các xã để kháng chiến lâu dài. Đầu năm 1946, tỉnh có chủ trương xây dựng bộ phận in ấn để tăng cường hoạt động tuyên truyền cách mạng tới người dân bởi trước đó, tờ báo Dân Quyền được in bằng đất sét, số lượng phát hành rất ít. Năm Choàng được cử đi học kĩ thuật in chữ chì ở Sài Gòn – Chợ Lớn với yêu cầu chậm nhất trong vòng 5 tháng phải thành thạo kỹ thuật in mới.

Với tinh thần quyết tâm cao, chỉ sau 2 tháng học tập, ông đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 25.4.1947, nhà in của tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Ngày 1.5.1947, Năm Choàng được kết nạp Đảng. “Buổi lễ kết nạp Đảng cho tôi được chi bộ Ban Tuyên truyền tổ chức bí mật trên một chiếc ghe chèo dọc sông Vàm Cỏ Đông để tránh sự chú ý của địch. Thời khắc đó, được vào Đảng đối với tôi giống như được sinh ra lần thứ hai vậy. Ước mơ vào Đảng là để làm cách mạng, để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn” – ông Năm bồi hồi nhớ.

Dốc tâm huyết hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao

Năm 1949, ông Năm Choàng được giao phụ trách nhà in. Với tinh thần, trách nhiệm cao, mọi công việc của nhà in sau đó tiếp tục được ông cùng hơn 20 công nhân, đồng nghiệp phát triển lên. Theo sự lớn mạnh của kháng chiến, công việc nhà in ngày càng nhiều, nhất là in ấn bằng chữ chì cho tờ báo Dân Quyền lên tới cả ngàn bản mỗi kì và nhiều loại tài liệu cho các ban, ngành của tỉnh. Trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ nhưng tất thảy cán bộ, công nhân nhà in đều nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần để hoàn thành nhiệm vụ. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhà in vẫn tiếp tục hoạt động phục vụ cách mạng cho tới khi ký hiệp định Genève.

Đảng viên lão thành Nguyễn Tấn (Năm Choàng) biểu quyết thông qua Nghị quyết đại hội Chi bộ ấp Bình Linh nhiệm kỳ 2020-2022.

Sau Hiệp định Genève, phần lớn lực lượng kháng chiến tập kết ra Bắc, số cán bộ cốt cán còn lại tạm thời lui vào hoạt động bí mật. Năm Choàng được Tỉnh ủy phân công rút về căn cứ, chuẩn bị cho ra tờ tin của tỉnh. Giai đoạn này, địch tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ráo riết buộc nhà in thời trước phải sơ tán, chôn giấu máy móc, chữ chì ở các căn cứ cũ ven sông Sài Gòn và vùng rừng Trà Vong.

Ông Năm kể: “Lúc đó, anh Phan Văn (Tư Văn) phụ trách in bằng giấy sáp, viết bằng tay. Chúng tôi lấy tin của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để in thành các bản tin, tài liệu tuyên truyền nhưng số lượng không nhiều. Nhiệm vụ công việc ngày càng siết, nhất là khi Tỉnh ủy đặt vấn đề in giấy thông hành cho cán bộ, chúng tôi đã đề nghị tỉnh cho mua chữ, phương tiện máy móc về xây dựng nhà in trở lại. Tỉnh ủy rất đồng tình, cấp cho một số tiền và vận động bà con tham gia ủng hộ thêm để được cả ngàn chữ, tiến hành xây dựng nhà in mới”.

Để tái lập nhà in, hai ông Tư Văn và Năm Choàng đã phải cải trang, dũng cảm đột nhập vào tận Sài Gòn – Chợ Lớn mua thêm thiết bị, chữ chì, đưa vào căn cứ ở xã An Tịnh, Trảng Bàng.

Tiếp mạch câu chuyện, ông Năm trầm ngâm kể: Khi Mỹ hất Pháp, một bộ phận bà con và cán bộ chưa nhận thức rõ ràng nên công tác vận động quần chúng rất khẩn thiết. Nhất là giai đoạn 1954-1960 – những năm đen tối nhất của cách mạng miền Nam, Mỹ - Diệm đẩy mạnh chính sách “tố cộng diệt cộng”. Bằng viện trợ của Mỹ, Diệm cho tay chân ra sức phát triển hệ thống do thám, mật vụ có mặt ở mọi nơi, ngày đêm theo dõi, rình rập mọi gia đình, chúng xúi giục người này nghi kỵ người kia, thực hiện chính sách vừa mị dân, vừa kích động gây hằn thù chia rẽ giữa đồng bào lương - giáo trong tỉnh, gây ra bầu không khí vô cùng căng thẳng.

Chúng lập danh sách những người kháng chiến cũ, truy lùng, bắt bớ, thủ tiêu cán bộ, tác động rất lớn đến tư tưởng của anh em, một số có tâm lý hoang mang, dao động. Trong bối cảnh đó, Ban Tuyên truyền được giao nhiệm vụ làm công tác tư tưởng, đã phải gấp rút in ấn 3 cuốn sách: “Viết dưới giá treo cổ”, “Vượt Côn Đảo”, “Sống vĩ đại, chết vinh quang”.

“Do in sách bằng chữ chì nên công việc rất nhiều, chúng tôi phải viết đến mòn, lõm cả ngón tay. Để đảm bảo bí mật, toàn bộ máy móc in ấn cũng được đưa xuống lòng đất, công việc của cán bộ, công nhân nhà in là phải lấy đêm làm ngày. Mỗi buổi sáng sau khi hoàn thành công việc được lên mặt đất là toàn thân ai nấy đen xì. Nhưng cũng nhờ cách này mà nhà in của ta không hề bị địch phát hiện. Giai đoạn 1960-1975, công việc phát triển rất nhanh. Sau khi đồng khởi Tua Hai thắng lợi, 2/3 số xã trên địa bàn tỉnh được giải phóng, mỗi ngày chúng tôi in từ 2000 – 5000 tờ báo, tài liệu Đảng. Nhà in mua thêm phương tiện, thiết bị, đào tạo thợ để nâng cấp hoạt động và còn hỗ trợ xây dựng nhà in Quân khu miền Đông, hỗ trợ in ấn cho Bình Dương, một số tỉnh lận cận khác” – ông Năm cho biết.

Hơn 90 tuổi vẫn sinh hoạt chi bộ

Trải qua nhiều vị trí công tác theo sự phân công, điều động của tỉnh, ở bất kỳ vị trí nào, đảng viên Nguyễn Tấn (Năm Choàng) đều cống hiến hết mình, làm tròn bổn phận, trách nhiệm. Khi về nghỉ hưu theo chế độ tại địa phương, ông Năm vẫn giữ trọn vẹn những phẩm chất cách mạng, tinh thần tiền phong gương mẫu của người đảng viên.

Đảng viên lão thành Nguyễn Tấn chụp hình lưu niệm cùng các đảng viên chi bộ ấp Bình Linh.

Ông Phan Văn Sẩn – Bí thư chi bộ ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết: “Ông Năm được miễn sinh hoạt Đảng từ năm 2000. Tuy vậy, chỉ trừ những lúc bệnh đau tuổi già, còn lại hầu như tháng nào ông cũng đều tham gia sinh hoạt chi bộ rất đều đặn. Ông là đảng viên tiêu biểu, gương mẫu, có tư cách, đạo đức, lối sống mẫu mực cả trong gia đình và ngoài xã hội. Ông được quần chúng nhân dân và đảng viên trong chi bộ hết sức kính nể. Chi ủy nói chung và cá nhân tôi nói riêng, có vấn đề gì còn băn khoăn, chưa rõ đều đến xin ý kiến ông và được ông gợi mở vấn đề, cho nhiều ý kiến hay. Ông giống như một cố vấn tin cậy của chi bộ chúng tôi”.

Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của đảng viên Năm Choàng, Đảng, Nhà nước đã tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý, như Huân chương độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Huân chương Quân Giải phóng Việt Nam hạng Ba, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng... Khi về nghỉ hưu theo chế độ tại địa phương, bằng sự gương mẫu của mình, ông cũng được các cấp khen tặng gương “Ông bà, cha mẹ mẫu mực”, là tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gia đình nhiều năm liền là gia đình văn hóa.

Ngày 15.1 vừa qua, chi bộ ấp Bình Linh (xã Chà Là, Dương Minh Châu) tổ chức đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022, đảng viên lão thành Nguyễn Tấn (Năm Choàng) cũng tham gia. Ông Năm chia sẻ: “Tôi được kết nạp Đảng từ khi mới 17 tuổi, đó là niềm tự hào, vinh dự của cá nhân tôi. Thời của chúng tôi, nhiệt tình cách mạng dữ dằn lắm, phấn đấu lắm để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã lãnh đạo giải phóng, thống nhất đất nước và tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân rất lớn, làm nên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Người dân sẵn sàng xả thân cho cách mạng, họ đã đưa từ đứa con thứ nhất đến đứa con út theo Đảng làm cách mạng, hi sinh xương máu để đấu tranh, giải phóng, thống nhất nước nhà và đóng góp xây dựng đất nước. Bây giờ phải làm sao giữ cho được uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân. Để làm được điều này, buộc mỗi người đảng viên phải gương mẫu đi đầu, phải giữ được uy tín trong quần chúng nhân dân.

Phương Thuý