BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đánh giá các Chương trình mục tiêu quốc gia 2006-2010

Cập nhật ngày: 21/01/2010 - 06:04

 

2010 là năm kết thúc nhiều chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Thi công trên công trình thuỷ điện Sơn La.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì chuẩn bị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2006-2010 và xây dựng danh mục Chương trình này trong các năm từ 2011-2015, tổng hợp trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội Khoá XII tại kỳ họp thứ 7.

Sau khi Quốc hội thông qua danh mục các Chương trình MTQG giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ quản lý Chương trình MTQG tổ chức thẩm định chương trình, trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2010.

Trên cơ sở các Chương trình MTQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ quản lý Chương trình MTQG được giao trách nhiệm chủ trì, xây dựng định mức và tiêu chí phân bổ vốn các Chương trình MTQG gửi Bộ Kế hoạch đầu tư tổng hợp chung., trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong năm nay.

Điểm lại các chương trình MTQG giai đoạn 2006-2010 phải kể đến chương trình giảm nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình giáo dục đào tạo giai đoạn II (2006 - 2010), chương trình về việc làm,...

Cụ thể với chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2005 xuống còn 10-11% năm 2010 (trong 5 năm giảm 50% số hộ nghèo). Kết quả tính đến tháng 8/2009 cho thấy, sau 4 năm thực hiện chương trình, đã có khoảng 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/lượt/hộ, ước thực hiện 5 năm khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, mức vay bình quân 7-8 triệu đồng/lượt/hộ, đạt trên 103% kế hoạch 5 năm.

Về dạy nghề cho người nghèo, trong 3 năm (2007-2009) đã có 100.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo,...

Rõ ràng, các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần duy trì đà tăng trưởng bền vững của toàn bộ nền kinh tế, tham gia tích cực vào hoạt động xoá đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

(Theo chinhphu.vn)