Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội:
Đánh giá các hạn chế chính xác hơn để có giải pháp khắc phục
Thứ bảy: 00:13 ngày 27/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đại biểu Trần Lưu Quang đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về những hạn chế cũng như nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm, để có giải pháp cụ thể hơn đạt được chỉ tiêu đã đề ra.

ĐBQH Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Ngày 25.5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Đại biểu Trần Lưu Quang, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng GDP của đất nước. Chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,7% nhưng trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 5,1%, như vậy, những tháng cuối năm sẽ phải nỗ lực rất lớn. Đại biểu Quang lo ngại sẽ dẫn đến nợ công vượt ngưỡng cho phép, do vậy, đề nghị Chính phủ có giải pháp khi nợ công vượt trần.

Đại biểu Trần Lưu Quang đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về những hạn chế cũng như nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm, để có giải pháp cụ thể hơn đạt được chỉ tiêu đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn ĐBQH Tây Ninh cho rằng, báo cáo chưa thể hiện rõ số doanh nghiệp giải thể mà chỉ nêu số doanh nghiệp thành lập mới, trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể có thể tương đương số doanh nghiệp thành lập mới.

Vừa qua chúng ta thực hiện nhiều “chiến dịch giải cứu” từ dưa, đến lợn, sắp tới có thể là gà... vậy nguyên nhân do đâu, trong khi chúng ta đã ký kết hơn 10  Hiệp định FTA, nhưng chỉ ký kết các vấn đề ở tầm vĩ mô mà chưa có những ký kết liên quan đến các vấn đề cụ thể, cốt lõi cho phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống người dân.

Đại biểu Tiến đề nghị Quốc hội cùng chung tay với Chính phủ xác định đâu là các lợi ích cốt lõi của nền kinh tế để thực hiện đàm phán, ký kết và có kế hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực, xây dựng thương hiệu về sản phẩm của Việt Nam trên thế giới.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH Tây Ninh đề nghị Chính phủ xem xét lại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6.1.2017 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Tại Điều 3a quy định: “Việc xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 30 Điều 3 của Luật Đất đai”, đại biểu cho rằng quy định này trong thực tế thực hiện không khả thi, bởi vì không có cơ sở để xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp do sản xuất hằng năm không ổn định, “năm được, năm không”; có trường hợp từ trước đến nay chưa sản xuất nông nghiệp, chỉ kinh doanh, hoặc không có đất, nay có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì lấy cơ sở nào để xác nhận; quy định như trên, trái với chủ trương cải cách thủ tục hành chính; không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện xác nhận có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp…

 Đại biểu Phương cũng đề nghị xem lại biên chế thực hiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ở cơ sở, hiện nay ở trung ương thì nhiều nhưng đến cấp huyện, xã chỉ còn có 1 người phụ trách, sẽ không bảo đảm hiệu quả công việc, trong khi vấn đề này liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.

Về công tác đối ngoại, đại biểu Phương đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng chợ giáp biên giới Campuchia - Việt Nam trên địa bàn huyện Tân Biên, Tây Ninh để tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và cư dân khu vực vùng biên.

Về các giải pháp trong thời gian tới để phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Phương đề nghị cần ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chú ý giảm chi- nhất là chi thường xuyên.

DN - KC

(Lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục