Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đánh giá kết quả thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022
Thứ tư: 13:49 ngày 30/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 28.11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc (Kipus) cho các tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022. Ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.

Ông Trương Tấn Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Nhằm cung cấp thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng, minh bạch quá trình sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm nông sản của tỉnh; hướng đến xuất khẩu ra thị trường thế giới để nâng cao giá trị ngành hàng rau quả, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Từ năm 2019 - 2022 ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng điện tử Kipus cho các tổ chức, cá nhân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Thị Kiều Trang- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua 3 năm triển khai thực hiện áp dụng phần mềm Kipus, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cài đặt phần mềm cho 247 cơ sở sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích là 1.728,01 ha.

Trong đó, thành phố Tây Ninh có 14 cơ sở; thị xã Trảng Bàng có 10 cơ sở; thị xã Hòa Thành có 14 cơ sở; huyện Tân Biên có 26 cơ sở; huyện Tân Châu có 38 cơ sở; huyện Châu Thành có 23 cơ sở; huyện Dương Minh Châu có 41 cơ sở; huyện Gò Dầu có 75 cơ sở và huyện Bến Cầu có 6 cơ sở.

Tính đến nay có 23 loại cây ăn quả đăng ký thực hiện phần mềm Kipus, gồm: sầu riêng (289,26 ha); bưởi (197,95 ha); mãng cầu (122,50 ha); nhãn (80,29 ha); chuối (367,94 ha) và dưa lưới (7,32 ha). Trong đó, có 5 loại nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc, gồm: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu ta (na), mãng cầu thái (na Hoàng Hậu)

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, việc ứng dụng phần mềm Kipus vào sản xuất đã giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật quản lý trồng trọt hiện đại, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Nông dân tham gia góp ý tại hội nghị.

Các thông tin dữ liệu về kỹ thuật canh tác như xử lý đất, chăm sóc, bón phân, phun thuốc thực tế tại các vùng trồng được cập nhật hàng ngày giúp cho cơ quan chuyên môn (Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông) nắm bắt tình hình có thể kiểm tra tài liệu sản xuất, nhật ký canh tác của các cơ sở sản xuất để kịp thời có các cảnh báo nhắc nhở, hướng dẫn người sản xuất không sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép và có biện pháp khắc phục trong trường hợp cần thiết.

Đồng thời, giúp người sản xuất rút kinh nghiệm trong canh tác, quản lý sâu bệnh hại,... để điều chỉnh phát triển sản xuất ở các vụ tiếp theo, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc, những dữ liệu cơ bản vùng trồng (tên, địa chỉ, loại cây trồng, ... ) được cập nhật trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, giúp người tiêu dùng thuận lợi cho việc tra cứu thông tin, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhất là những thị trường khó tính.

Tuy nhiên, do nguồn nhân lực mỏng trong khi diện tích sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trải rộng nên việc liên hệ tổ chức, cá nhân để cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm mất nhiều thời gian; phần lớn nông dân sản xuất là người lớn tuổi việc tiếp cận phần mềm còn hạn chế nên thông tin dữ liệu cũng chưa được cập nhật thường xuyên. Các sản phẩm nông sản được có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm chỉ bán cho thương lái do đó, việc vận động nông dân tham gia và duy trì hoạt động cập nhật dữ liệu gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc áp dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc nông sản là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng, góp phần gia tăng giá trị của nông sản. Bên cạnh đó, ông Đạt đề nghị các địa phương đánh giá những kết quả đã đạt được trong việc ứng dụng phần mềm vào quản lý vùng trồng thời gian qua, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục