Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dạo chơi biển Tân Phụng

Cập nhật ngày: 10/08/2012 - 11:54

Một chuyến dạo chơi trên biển Tân Phụng, du khách sẽ khám phá những danh thắng độc đáo như Mũi Rồng, Bãi Bàm, Đá Dựng hay tham quan chợ cá buổi sớm…

Cảnh lặn nhum thường ngày khi nước triều xuống ven biển Tân Phụng

Từ thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ (cách Quy Nhơn khoảng 70km), du khách có thể đi bằng xe buýt hoặc xe máy tiếp khoảng 13km sẽ đặt chân tới làng biển Tân Phụng, xã Mỹ Thọ.

Người dân mến khách nơi đây đã tận tình chỉ dẫn chúng tôi đến Mũi Rồng - một thắng cảnh không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất này. Đó là một ghềnh đá màu đỏ, nhô ra biển chừng 20m, ở chính giữa ghềnh đá là một khoảng trống, có một hòn đá lớn nhô lên ngày đêm nước biển xô vào rồi trào ra miệng như rồng phun nước.

Men theo con đường mòn dưới núi Gò Dưa xanh ngút ngàn cỏ cây, hay con đường biển lô xô hàng vạn tảng đá nhiều hình khối, kích thước (còn gọi là bãi Ngang), sẽ tới hải đăng Hòn Nước. Ngọn hải đăng được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên vịnh Vũng Mới, hoạt động trong nhiều năm, từng trở thành một phế tích vì bị thiên nhiên hủy hoại. Mãi đến những năm 1990 hải đăng mới được xây dựng lại. Năm 1997 công trình hoàn thành và được đặt tên mới là hải đăng Hòn Nước theo tên của hòn đảo nhỏ trong vịnh Vũng Mới.

Hải đăng có tháp đèn cao 16,2m được xây bằng đá có màu xám sẫm, độ cao của tâm sáng so với mực nước biển là 62,5m. Từ trên ngọn hải đăng, du khách có thể phóng tầm mắt về dãy núi Gò Dưa huyền thoại hay chiêm ngưỡng toàn cảnh biển cả, tận hưởng những luồng gió mát dịu thổi từ biển vào bờ.

Bình minh Mũi Rồng

Đường đến hải đăng Hòn Nước

Cận cảnh Mũi Rồng

Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, khu vực Bãi Trước, thôn Tân Phụng còn có một làng chài lâu đời. Những tư liệu lịch sử còn ghi từ thời văn hóa Sa Huỳnh, những người Việt đã di dân đến Tân Phụng tiếp thu kinh nghiệm và văn hóa biển của người Champa, kết hợp văn hóa của hai dân tộc để tạo nên nét văn hóa biển đặc sắc.

Mỗi người mỗi việc: đàn ông giong thuyền đi biển đánh bắt, đàn bà ở nhà đi chợ bán cá. Nhà cửa, ngõ xóm ở đây đều nhỏ nhắn, núp dưới hàng dừa nghiêng nghiêng tỏa bóng êm đềm. Buổi sớm, ở phiên chợ cá có đến 99% là phụ nữ mua bán trong chợ.

Và nói như ông Huỳnh Chiên, 70 tuổi, một lão ngư chân chất, sắc sảo có tiếng ở làng biển này: “Chính sự thơ mộng và hữu tình của biển Tân Phụng đã khiến không ít khách xa phương “nặng mối tình” bằng những vẫn thơ hay: 

Sơn thủy ngàn xưa vốn hữu tình
 Ngắm về Tân Phụng vẻ xinh xinh
 Rừng dương gió thổi nghe dào dạt
 Mặt nước lanh lanh vỗ bập bềnh
 Biển Phụng khoe tài đua sắc gấm
 Di rồng vang tiếng vạn lời tranh
 Hỡi trời khéo vẽ chi nên cảnh
 Khiến khách xa phương nặng mối tình
".

Sớm mai ở chợ cá Tân Phụng

Chim hải âu chao nghiêng trên biển Tân Phụng khi chiều xuống

Trẻ con Tân Phụng tắm và ngắm biển khi nước triều rút xa bờ

Từ trên hải đăng Hòn Nước có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh núi non và biển cả Tân Phụng 

Vào buổi chiều khi nước triều rút xuống, dọc bờ biển Bãi Trước lại lô nhô những ghềnh đá phủ rong rêu xanh hay một bãi cát mịn vàng để thanh niên làng biển đá banh. Du khách cứ thế thong dong dạo bộ trên dải cát mịn hay ngắm nhìn những con thuyền nhỏ xinh nằm phơi mình dưới hoàng hôn.

Theo truyền thuyết, Mũi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương còn gọi là "Đá vảy rồng". Đời nhà Đường, viên tướng Cao Biền đã đi tìm những nơi đất có vượng khí ở nước ta để trấn yểm, trong đó có Mũi Rồng. Cao Biền thấy Mũi Rồng có linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ. Máu rồng đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát.

Loại đá son này rất cứng. Khi mài với nước thì ra màu thắm đỏ, khi cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho. Ngày xưa, học trò khắp nơi về đây để lấy loại đá về làm son cho thầy chấm bài. Ngày nay, tinh ý ta vẫn có thể tìm thấy những hòn son màu đỏ nằm lẫn trong cát biển.

 

Theo TTO