Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đây là một trong những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập trong phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều ngày 1/11.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chất vấn dân chủ, thẳng thắn
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và có 82 lượt đại biểu tranh luận, các thành viên Chính phủ, trong đó có 19 bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa các đại biểu và người chất vấn mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.
Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu nên còn có nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
“Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua phiên chất vấn cho thấy việc thực hiện các nghị quyết Quốc hội được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững…
Xây dựng cơ chế từ chức
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc là triển khai chưa có hiệu quả, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân của các tồn tại hạn chế có cả khách quan và chủ quan.
Do vậy, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Đồng thời, QH yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số nội dung. Trong đó, về cải cách hành chính, công chức, công vụ, QH đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc rà soát xây dựng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về công chức, công vụ; sớm hoàn thành việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
“Rà soát, đánh giá, hoàn thiện chính sách quy định về tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm và cơ chế từ chức”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Trong lĩnh vực lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Quốc hội đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, phù hợp với các điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, hướng dẫn về đánh giá và bồi thường thiệt hại cho ô nhiễm môi trường, xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường, làm cơ sở lựa chọn loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư.
Có kế hoạch tổng thể để thực hiện toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường, phối hợp với các cơ quan, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc để phế liệu nhập khẩu, nhập lậu và có giải pháp xử lý ngay số phế liệu đã nhập vào Việt Nam nhưng chưa có người nhận, áp dụng chặt chẽ quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng đối với các loại chất thải trong đó có sỉ than để không ảnh hưởng đến môi trường.
Đối với lĩnh vực công thương, cần tiếp tục rà soát xử lý 12 dự án thua lỗ, bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước; có giải pháp phù hợp để xử lý vướng mắc đối với từng dự án và tiếp tục thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, QH đề nghị Chính phủ xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý không gian mạng, chuẩn bị các công cụ kỹ thuật, nhân lực để giám sát an toàn thông tin, chống việc sử dụng mạng để vi phạm pháp luật; nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng không gian mạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với người đưa tin sai, lợi dụng không gian mạng để đưa tin sai sự thật, vi phạm pháp luật…
Tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử
Đối với lĩnh vực tư pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đảm bảo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, cần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Bồi thường nhà nước đối với các trường hợp oan sai; nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
“Chủ động tích cực đối thoại trong giải quyết án hành chính, rà soát tổng kết các quy định về người đại diện cho cơ quan nhà nước trong các vụ án hành chính cho phù hợp với thực tiễn. Làm tốt công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đôn đốc xử lý những văn bản sai phạm theo quy định.
Làm tốt công tác thi hành án, giảm cơ bản số án dân sự tồn đọng. Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật, bảo đảm bình đẳng giữa án hành chính với các loại án khác”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại hạn chế được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ, tạo đà cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới.
Nguồn baophapluat