Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm 2019:
Đào tạo nghề cho 4.205 lao động nông thôn
Thứ tư: 14:19 ngày 29/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 27.5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ tại Tây Ninh tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn năm 2019 cho các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, thành phố; lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và các cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề trên địa bàn.

Học viên thành phố Tây Ninh học nghề nấu ăn.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh tổ chức được 151 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4.734 học viên, đạt 102,78% so kế hoạch với tổng kinh phí thực hiện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 là hơn 7,6 tỷ đồng. Sau học nghề, có 798 hộ được vay vốn giải quyết việc làm hơn 19 tỷ đồng để tạo công ăn việc làm. Theo thống kê, đến cuối năm 2018, có 4.037 lao động được đào tạo đã có việc làm (chiếm hơn 85%). 

Theo Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019, tỉnh sẽ tổ chức 129 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 4.205 lao động nông thôn với 25 nghề. Trong đó, có 14 nghề nông nghiệp với 82 lớp (2.710 lao động), 11 nghề phi nông nghiệp với 47 lớp (1.495 lao động). Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này là gần 7,8 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 và nguồn kinh phí địa phương. Trong quá trình thực hiện, bảo đảm người khuyết tật chiếm ít nhất 10%, lao động nữ chiếm ít nhất 40% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của địa phương và bảo đảm tỷ lệ số người học nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo mục tiêu đã được xác định của địa phương đến năm 2020.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Thanh Thuỷ đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách trong đào tạo nghề tới các tầng lớp nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để tạo việc làm cho lao động sau học nghề; khuyến khích các địa phương có mô hình hay, cách làm hiệu quả trong đào tạo nghề để nhân rộng. Sau hội nghị, các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch đạt chất lượng, yêu cầu đề ra và cũng cần lưu ý, chỉ khi đã định hướng được việc làm, định hướng được thu nhập cho lao động mới tổ chức đào tạo nghề. 

C.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục