Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chìa khoá giảm nghèo bền vững
Thứ sáu: 15:59 ngày 20/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được xem là yếu tố then chốt trong tiến trình này, không chỉ giúp người dân có công việc ổn định mà còn nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội.

Đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một chiến lược quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh Tây Ninh. Đây không chỉ là chính sách nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động mà còn là yếu tố quyết định trong việc nâng cao thu nhập, tạo cơ hội việc làm ổn định, từ đó cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn.

Người dân áp dụng kiến thức vào chăn nuôi bò.

Thực hiện mục tiêu này, năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã triển khai đồng bộ các chương trình đào tạo nghề và các chính sách hỗ trợ việc làm, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được xem là yếu tố then chốt trong tiến trình này, không chỉ giúp người dân có công việc ổn định mà còn nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 1 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 3 cơ sở đào tạo nghề. Đây là những cơ sở tạo điều kiện thuận lợi giúp người lao động nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Các chương trình đào tạo nghề được thiết kế phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của người dân địa phương. Một số ngành nghề được nhiều người lựa chọn bao gồm kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò; kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, cây cảnh; kỹ thuật pha chế đồ uống; kỹ thuật nấu ăn; trang điểm thẩm mỹ... Sau khi hoàn thành các khoá học, người lao động có thể tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề, tỉnh còn chú trọng tạo điều kiện để người lao động, đặc biệt là nông dân, tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện năng suất lao động mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Năm 2024, tỉnh Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên đào tạo cho các nhóm đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người đã hoàn thành án phạt tù, hay những người có đất bị thu hồi.

Song song đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các khoá đào tạo được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của việc học nghề và mở ra cơ hội việc làm bền vững cho người lao động.

Cụ thể, đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới đã đạt 99,88% chỉ tiêu (2.537/2.540 người). Trong khi đó, chương trình đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 766 người và 52 người di cư tự do cũng được hỗ trợ học nghề dù không có chỉ tiêu giao trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,5%, cho thấy sự phát triển đáng kể về kỹ năng nghề của lực lượng lao động địa phương.

Công tác giải quyết việc làm tại tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng, tạo động lực quan trọng trong hành trình giảm nghèo bền vững. Tổng số lao động có việc làm mới đạt 17.150 người, vượt 107,2% kế hoạch đặt ra (16.000 người/năm). Trong đó, 3.985 lao động được hỗ trợ thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm và 13.165 lao động có việc làm từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tỉnh cấp giấy phép lao động cho 2.709 lượt lao động nước ngoài, bao gồm 1.907 trường hợp cấp mới, 195 trường hợp cấp lại và 607 trường hợp gia hạn. Nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài tại địa phương tiếp tục gia tăng, với 640 doanh nghiệp đăng ký sử dụng lao động, tổng nhu cầu đạt 2.707 lao động.

Cùng với đó, 42 doanh nghiệp đăng ký bản nội quy lao động và 103 doanh nghiệp ký kết thoả ước lao động tập thể, cho thấy sự chú trọng trong xây dựng môi trường lao động an toàn, hài hoà và bền vững. Đặc biệt, 47 lao động Việt Nam đã được hỗ trợ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, mở ra cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao trình độ nghề nghiệp.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ghi nhận những kết quả nổi bật, hỗ trợ 24.538 người tìm kiếm cơ hội phù hợp. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện hiệu quả, với 16.288 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được ban hành, tổng kinh phí chi trả hơn 364 tỷ đồng. Những con số này thể hiện sự đồng bộ trong việc triển khai các chính sách lao động - việc làm, khẳng định vai trò then chốt của tỉnh trong việc bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Chương trình đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã đạt được những kết quả thiết thực, với khoảng 90% người hoàn thành khoá học có việc làm. Người lao động sau khi hoàn thành khoá học nghề còn được tư vấn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và ổn định cuộc sống. Những chương trình này không chỉ trực tiếp góp phần giảm nghèo mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của xã hội, thúc đẩy sự tự chủ và ổn định trong từng hộ gia đình.

Hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm tại tỉnh Tây Ninh đã có những bước tiến đáng kể, với sự đổi mới rõ nét về cả hình thức và nội dung, nổi bật là các phiên giao dịch việc làm và ngày hội việc làm.

Tính đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã tổ chức thành công 16 phiên giao dịch việc làm, thu hút 5.802 lượt người tham gia. Trong đó, 2.786 người được tư vấn nghề nghiệp và 941 lao động đã tìm được công việc phù hợp thông qua kết nối với doanh nghiệp.

Sự tham gia tích cực của 96 doanh nghiệp trong các phiên giao dịch này không chỉ chứng minh hiệu quả của các hoạt động mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Trung tâm trong việc thúc đẩy giảm nghèo bền vững.

Những phiên giao dịch việc làm không chỉ là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, mà còn là cơ hội để lao động nâng cao kỹ năng và hiểu biết về thị trường lao động. Qua đó, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trở nên tự tin, chủ động hơn trong việc tìm kiếm việc làm, từ đó nâng cao thu nhập và giảm sự phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với Công an tỉnh để tư vấn cho 120 người đang chấp hành án phạt tù hoặc chuẩn bị mãn hạn án, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức các chương trình tư vấn nghề nghiệp cho 479 bộ đội chuẩn bị xuất ngũ và 200 hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.

Những nỗ lực này đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại tỉnh Tây Ninh. Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 0,46%, với 1.486 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 334 hộ nghèo (giảm 178 hộ so với năm 2023) và 1.152 hộ cận nghèo (giảm 419 hộ so với năm 2023). Tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều trong năm đạt 0,19%, góp phần khẳng định sự hiệu quả và bền vững của các chương trình giảm nghèo tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn là nhận thức của người dân, đặc biệt là nhóm ưu tiên như người khuyết tật và hộ cận, còn thấp, dẫn đến tỷ lệ tham gia học nghề chưa cao. Mức hỗ trợ tiền ăn, xăng xe hiện nay không còn phù hợp với tình hình kinh tế, khiến người lao động e ngại tham gia các chương trình đào tạo. Thêm vào đó, trình độ học vấn thấp và rào cản ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số cũng làm giảm khả năng tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Với những kết quả khả quan trong năm 2024, Tây Ninh đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm cuộc sống ổn định và phát triển cho người dân.

Sông Hương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục