Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức 87 lớp đào tạo nghề cho khoảng 2.700 lao động, trong đó: đào tạo nghề nông nghiệp có 46 lớp cho 1.460 lao động; đào tạo nghề phi nông nghiệp có 41 lớp cho 1.300 lao động. Tổng kinh phí thực hiện hơn 6,4 tỷ đồng; sau đào tạo, tỷ lệ lao động có việc làm phải đạt tối thiếu 80% trở lên.
Đào tạo nghề mây tre lá.
Đối tượng tham gia đào tạo nghề gồm: nhóm lao động xã hội, lao động dịch chuyển từ địa phương khác vào làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và 7 nhóm đối tượng thuộc nhóm yếu thế.
7 nhóm đối tượng gồm: nhóm 1- người khuyết tật; nhóm 2- người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; nhóm 3- người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; nhóm 4- người thuộc hộ cận nghèo; nhóm 5- người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng nhóm 1, 2, 3, 4; nhóm 6- người chấp hành xong án phạt tù; nhóm 7- người thuộc các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi phải ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Nhằm góp phần triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả, các ngành chức năng, đơn vị liên quan sẽ tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, học sinh tốt nghiệp THPT vào học GDNN ở trường cao đẳng nghề, học đại học và chương trình đào tạo khác; tuyên truyền, tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễn phí và vận động lao động nông thôn tham gia học nghề.
Bên cạnh đó, khảo sát nhu cầu học nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp tại các địa phương bảo đảm đúng đối tượng quy định, phản ánh trung thực nhu cầu của người học nghề để xây dựng kế hoạch thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn phù hợp thực tiễn.
Khuyến khích các cơ sở tư nhân, các chủ sản xuất nghề truyền thống nhận đào tạo, kèm cặp, truyền nghề cho người lao động ở nông thôn như: nghề mộc, rèn, đan lát, làm bánh tráng, may, uốn tóc, cắt tóc, sửa xe gắn máy, xe ô tô, sửa chữa điện cơ, điện tử...
Rà soát, lựa chọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề, bố trí sắp xếp đội ngũ nhà giáo có trình độ, kinh nghiệm tham gia đào tạo nghề; thường xuyên cập nhật giáo trình, phương pháp giảng dạy, những tiến bộ khoa học kỹ thuật bảo đảm chất lượng dạy nghề phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Đào tạo nghề phải gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phát triển ngành, nghề nông thôn phù hợp thực tiễn từng địa phương; đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã tuyển dụng lao động sau học nghề để hỗ trợ tìm kiếm việc làm ổn định cho người lao động. Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp để liên kết đào tạo, đào tạo lại cho người lao động góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khuyến nông, chương trình dạy nghề cho phụ nữ, dự án bố trí dân cư... để tăng cường các nguồn kinh phí hồ trợ dào tạo nghề nông nghiệp; ưu tiên đào tạo nghề nông nghiệp cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế từng địa phương.
Giang Hà