BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đáp ứng yêu cầu an toàn tại các điểm giao dịch ngân hàng

Cập nhật ngày: 02/05/2017 - 08:47

Ở nước ta, tội phạm thực hiện hành vi cướp ngân hàng không phải mới xuất hiện nhưng cũng hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện các vụ cướp ngân hàng với tính chất liều lĩnh.

Điển hình như vụ cướp hàng tỷ đồng vừa xảy ra vào ngày 26-4 tại phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh thị xã Duyên Hải (Trà Vinh). Vào tháng 3-2017, Phan Văn Hoàng (25 tuổi, trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lao vào trụ sở một ngân hàng trên đường Ngô Quyền dùng dao uy hiếp nhân viên và bảo vệ yêu cầu giao đủ 50 triệu đồng. Táo tợn hơn, vào tháng 12-2016, Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi, không nghề nghiệp, hộ khẩu thường trú tại thôn Hà Úc, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chuẩn bị súng bắn bi khống chế bảo vệ và nhân viên ngân hàng BIDV ở TP Huế, cướp hơn 700 triệu đồng...

Những vụ việc nêu trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo vệ tại ngân hàng và sự an toàn của khách hàng khi đến giao dịch. Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cướp ngân hàng là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tính mạng, thân thể của các nhân viên ngân hàng, của khách hàng cũng như người dân chung quanh. Các vụ cướp ngân hàng luôn gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các ngân hàng.

Đánh giá của cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an cho thấy, trước đây, tội phạm chủ yếu nhằm vào các cửa hàng vàng nhưng hiện nay, các phòng giao dịch của ngân hàng đã trở thành mục tiêu của các đối tượng tội phạm này. Theo thống kê của cơ quan công an, từ năm 2012 đến năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 26 vụ cướp tại các cửa hàng vàng, ngân hàng và quỹ tín dụng, giảm 47 vụ so với thời kỳ 2007-2011. Tuy giảm về số vụ nhưng tội phạm manh động hơn, thủ đoạn tinh vi hơn.

Theo cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được những yêu cầu bảo đảm an toàn. Điều dễ dàng nhận thấy là các ngân hàng chưa có thông báo, nhắc nhở khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác khi kết thúc một phiên giao dịch. Nhân viên bảo vệ còn ít, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Nhân viên thiếu nhiều kỹ năng để xử lý những tình huống. Nơi trông giữ phương tiện của khách hàng nhiều nơi còn sát với đường giao thông, rất dễ bị các đối tượng tội phạm tiến công.

Bộ Công an khuyến cáo các ngân hàng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến từng giao dịch viên của ngân hàng nắm được phương thức thủ đoạn của tội phạm, qua đó nhắc nhở khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ tài sản. Trong trường hợp tội phạm xông vào cướp ngân hàng sử dụng vũ khí “nóng”, để tránh xảy ra thương vong có thể đáp ứng yêu cầu về tài sản nhưng cần quan sát kỹ đặc điểm nhận dạng của thủ phạm để cung cấp cho cơ quan điều tra. Nhân viên bảo vệ của ngân hàng phải có nghiệp vụ, thường xuyên làm công tác kiểm soát chung quanh khu vực ngân hàng, chú ý phát hiện đối tượng nghi vấn để báo cho cơ quan công an tổ chức xác minh làm rõ. Các ngân hàng phải lắp ca-mê-ra ở các phòng giao dịch, thu đổi tiền và ở chung quanh ngân hàng để ghi lại hình ảnh nếu có đối tượng gây án và đối tượng nghi vấn, phục vụ công tác điều tra truy xét.

Nguồn TTO


Liên kết hữu ích