Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đâu rồi căn cứ Cây Chò!
Thứ sáu: 11:31 ngày 04/10/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong thời gian gần 2 năm, đầu năm 1946 đến cuối năm 1947, Cây Chò là căn cứ cách mạng của tỉnh và đặc biệt nơi đây là nơi khai sinh ra tờ báo Dân Quyền- tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay.

Trong thời gian gần 2 năm, đầu năm 1946 đến cuối năm 1947, Cây Chò là căn cứ cách mạng của tỉnh và đặc biệt nơi đây là nơi khai sinh ra tờ báo Dân Quyền- tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay.

Suối Cây Chò- nơi ông Năm Choàng lấy đất sét về làm báo

(BTN) - Về địa danh Cây Chò, ông Nguyễn Văn Nguyên, 83 tuổi, ngụ ấp Gò Nổi, gần căn cứ Cây Chò, kể lại: “Khi tôi còn nhỏ, ở đầu suối có một cây chò rất to, cao hơn 20 mét, bề hoành gốc của nó 3 người lớn ôm không giáp. Khoảng năm 1945, người dân đốt đồng làm rẫy, làm chết cây chò này. Sau đó, ông Bảy Đá- một người dân địa phương cưa cây chò làm gỗ. Từ đó, nơi đây thành địa danh Cây Chò. Hiện nay, cây chò khó tìm thấy nữa, nên ít ai biết hình dáng loại cây này ra sao”.

Đọc quyển Sơ thảo Truyền thống  Báo Tây Ninh giai đoạn 1946 - 2010, những người làm báo thuộc thế hệ trẻ như chúng tôi rất khâm phục những bậc tiền nhân đã chịu đựng biết bao gian khó để gầy dựng và phát triển tờ báo Tây Ninh được như ngày hôm nay. Lần theo dấu xưa trong trang sử, chúng tôi tìm về căn cứ Cây Chò (thuộc ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành), căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp của Tỉnh uỷ và là nơi khai sinh ra tờ báo Dân Quyền- tiền thân của Báo Tây Ninh hiện nay. Về đây chúng tôi hết sức băn khoăn, dù đã đoán biết nhưng vẫn không khỏi bất ngờ, căn cứ lịch sử một thời, bây giờ chẳng còn chút vết tích gì cả. Nơi 67 năm trước Báo Tây Ninh ra đời, hiện nay chỉ là một đám đất trống vừa được trồng cây cao su.

Sơ thảo Truyền thống Báo Tây Ninh ghi rõ: Được lệnh của Tỉnh uỷ, tháng 3.1946, Ban Tuyên tuyền tập trung về căn cứ Cây Chò. Tại căn cứ Cây Chò, các đồng chí trong Ban Tuyên truyền đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của tờ báo tỉnh, như: trao đổi, thống nhất nội dung, hình thức và phương thức in ấn, phát hành báo chí.

Tháng 5.1946, bản tin đầu tiên được in bằng đất sét ra đời. Trên cơ sở bản tin này, Ban Tuyên truyền họp rút kinh nghiệm và quyết định xuất bản tờ báo Dân Quyền vào tháng 10.1946. Đây là sự kiện đánh dấu sự hình thành nền báo chí cách mạng của tỉnh nhà. Những cây bút đầu tiên tham gia viết báo là các đồng chí Lê Đình Nhơn, Dương Minh Châu, Văn Uyển, Lê Sơn Đảnh… Các đồng chí Trần Văn Sanh, Hoàng Minh Hiệp, Nguyễn Văn Choàng phụ trách việc trình bày, in ấn.

Lại theo dấu tập sách truyền thống, chúng tôi đến ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu tìm gặp ông Nguyễn Văn Choàng, thường gọi là chú Năm Choàng- người phụ trách việc ấn loát Báo Dân Quyền lúc bấy giờ. Chú Năm Choàng năm nay 86 tuổi, nhưng trên giấy tờ thì kém hơn 3 tuổi, và là người duy nhất của thế hệ làm Báo Dân Quyền còn sống ở Tây Ninh.

Chú Năm nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi khoét rừng, tự cất những căn chòi nhỏ để ở. Mỗi căn chòi chừng mười mấy mét vuông, lợp tranh, không vách, bàn, ghế được làm bằng nhiều khúc cây rừng, dùng dây bện lại với nhau. Căn chòi, nơi tờ báo Dân Quyền ra đời cách con suối nhỏ khoảng 700 - 800 mét”.

Theo lời chú Năm Choàng, thời gian đầu mới bắt tay vào làm, chỉ là bản tin chứ chưa phải tờ báo. Bộ phận in lúc bấy giờ được gọi là Ban ấn loát. Khó khăn nhất là không biết lấy vật liệu gì để in. Theo sự gợi ý của ông Dũng- một đồng đội chung đơn vị, ông Choàng và ông Sanh xuống suối móc đất sét trắng đem lên, quậy với nước, rồi cán ra cho bằng phẳng.

Khi đất sét khô, đem các bản thảo viết xong, đặt lên mặt đất sét, dùng lóng tre hoặc ống bơm xe đạp cán lên cho in nét chữ xuống mặt đất sét. Sau đó, gỡ lớp giấy viết bản thảo ra, rồi dùng giấy trắng để lên mặt đất sét in lại. In được khoảng 20 tờ là nét chữ trên mặt đất sét bị mờ, không còn dùng được. Muốn in tiếp phải làm lại từ đầu.

Đến tháng 10.1946, khi tờ báo Dân Quyền ra đời, Ban ấn loát cũng bắt đầu “nâng cấp” từ việc in bằng đất sét lên in bằng bột gạo. Việc “đổi mới công nghệ” cũng là một quá trình đầy sáng tạo mang đậm dấu ấn của các bậc “tiền bối”.

Ông Năm Choàng kể tiếp: Do nhu cầu in ngày càng nhiều nên việc in ấn lúc bấy giờ rất bức xúc. Nhân một lần đi dự đám giỗ nhà người dân trong xóm. Trong đám giỗ có đãi món bún làm bằng bột gạo. Ông lấy bột bún vò trong tay, thấy có độ dẻo. Ông liền nghĩ đến việc dùng bột gạo phục vụ cho việc in thay cho đất sét. Trở về căn cứ, ông xay gạo làm bột, đem ra in thử. In được, nhưng bị dính. Ông mày mò nấu dầu dừa, trộn vào bột, in hết bị dính.

Từ đó, dùng bột gạo in tờ báo Dân Quyền. Mỗi lần in được 20 - 30 bản. Sau đó, nhồi lại mớ bột này và sử dụng được nhiều lần, đến khi bột gạo bị lem mực, đổi sang màu tím mới bỏ. Đến đầu năm 1947, giặc Pháp mở cuộc càn, ông Dương Minh Châu anh dũng hy sinh, anh em chôn xác ông tại căn cứ rồi rút quân lên xã Hoà Hội (huyện Châu Thành).    

Theo hồi ức của chú Năm Choàng, thời điểm đó, ngoài Ban Tuyên truyền, ở căn cứ Cây Chò còn là nơi trú đóng của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Tây Ninh, Toà án, Mặt trận Việt Minh, Đội Quốc gia tự vệ cuộc và một lớp bình dân học vụ. Trong thời gian gần 2 năm, đầu năm 1946 đến cuối năm 1947, Cây Chò là căn cứ cách mạng của tỉnh và đặc biệt nơi đây là nơi khai sinh ra tờ báo Dân Quyền- tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay.

Qua 67 năm vật đổi sao dời, ở đây không còn dấu tích nào của căn cứ cách mạng, của nơi làm báo kháng chiến. Thay vào đó là những rẫy mì xanh um xen lẫn những cây cao su con vừa đặt xuống. Anh Nguyễn Văn Khoẻ, Cán bộ địa chính xã Ninh Điền cho biết: “Vùng đất này hiện nay vẫn là đất công”.

Rời khu căn cứ Cây Chò cũ, trên đường về, lòng chúng tôi cảm thấy một nỗi day dứt và một niềm ước mơ: ước gì ở đó được đầu tư xây dựng một khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng của Tỉnh uỷ. Trong đó, có mô hình những mái nhà tranh của 67 năm trước, của Ban Tuyên truyền, của Báo Dân Quyền- tiền thân của Báo Tây Ninh, để giáo dục truyền thống cho lớp cán bộ, phóng viên hiện nay và nhiều lớp người làm báo mai sau.

Dương Sông Ninh

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục