Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Hơn 40 năm trước, khi còn là cậu học trò nhỏ trên ghế nhà trường, tôi rất thích thú khi được học về tranh Đông Hồ trong sách giáo khoa. Trong trí tưởng tượng, tôi thường hình dung ở nơi đó, người người, nhà nhà trong làng đều làm tranh, tạo nên bầu không khí hết sức nhộn nhịp.

Gia đình của Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế- một trong ba gia đình còn làm tranh dân gian Đông Hồ.
Mới đây, có dịp đến làng Đông Hồ để tìm hiểu về nghề vẽ tranh truyền thống này, tôi thật bất ngờ, bởi trên thực tế hiện nay, cả làng Đông Hồ chỉ còn có hai, ba gia đình gắn bó với nghề truyền thống này.
Chiếc ôtô chở chúng tôi qua những con đường bê tông xi măng nhỏ, ngoằn nghoèo trong thôn xóm và cuối cùng dừng lại trước làng Đông Hồ (thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Nếu không phải nhờ người dân địa phương dẫn đường, chắc chúng tôi khó tin được đây là làng tranh dân gian Đông Hồ đã từng nổi tiếng trong thơ ca, nhạc họa và chương trình giáo dục phổ thông. Bởi vì, nơi này chẳng có dáng dấp gì của một ngôi làng đang sản xuất tranh.
Ngay trước đầu làng là một ngôi nhà ngói, cất theo kiểu xưa, còn khá mới. Trước cổng có bảng với nội dung: "Unesco. Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian. Tranh Đông Hồ. Nghệ nhân: Nguyễn Đăng Chế".
Trên tường treo khá nhiều tranh mẫu, hình ảnh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, hay ảnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi những vị lãnh tụ này đến thăm làng tranh Đông Hồ. Ngoài ra, còn treo nhiều giấy khen, giấy chứng nhận ông Chế đạt huy chương Bàn tay Vàng, giấy công nhận ông là nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh v.v...
Khi chúng tôi đến thăm, ông Chế bận đi họp trên huyện không về kịp. Trong nhà, có ba người đang cặm cụi làm các công đoạn in ấn, sản xuất tranh.
Một trong ba nhân công đó là em Nguyễn Đăng Hiếu, 18 tuổi, cháu nội của ông Chế. Hiếu kể đôi nét về nghề này: "Những người làm nghề ở nhà này đều là con, cháu trong gia đình. Bản thân cháu theo học nghề từ lúc còn nhỏ và làm phụ gia đình đến nay".
Hiếu cho biết thêm, công việc sản xuất tranh làm quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào đầu tháng 10, vì tập trung sản xuất tranh bán Tết.
Em Nguyễn Đăng Hiếu- cháu nội của Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làm tranh Đông Hồ.
Ngoài tranh với hai màu trắng đen, hiện nay, gia đình còn sản xuất loại tranh có đến 5 màu khác nhau. Để hoàn thành một bức tranh phải trải qua bảy công đoạn. Hiện tại, gia đình vẫn sản xuất tranh bằng cách in ấn theo kiểu thủ công truyền thống.
Phía sau ngôi nhà này là phòng trưng bày và bán tranh Đông Hồ. Trong nhà có cả ngàn bức tranh các loại, các cỡ đã đóng khung treo trên tường hoặc để trên những chiếc kệ.
Người phụ trách phòng trưng bày này là chị Trần Thị Tố Tâm, con dâu út của ông Nguyễn Đăng Chế. Chị Tâm cho biết: "Mấy năm nay tranh bán tốt hơn, chủ yếu bán cho khách du lịch đến tham quan tại nhà và đem ra chào bán cho các cửa hàng trong và ngoài tỉnh".
Theo lời chị Tâm, nghề làm tranh Đông Hồ đang dần mai một. Khi xưa, đúng là cả làng cùng tham gia làm tranh Đông Hồ. Nhưng trong chiến tranh, khi Pháp sang xâm lược đã đốt phá và thu hết những bảng khắc gỗ mang về nước, nhiều người dân trong làng không làm nghề được nữa.
Nhiều năm sau giải phóng, trong làng có một số gia đình làm lại nghề này và thành lập hợp tác xã, nhưng cũng không phát triển mấy. Bố chồng của chị có 30 năm giảng dạy trong trường Đại học Mỹ thuật, ông yêu thích tranh này nên sưu tầm những bảng khắc cổ để khôi phục lại làng nghề.
Những năm gần đây, có một du khách người Pháp đến đây tham quan, thấy gia đình chị có tâm huyết với nghề nên ông về nước chụp hết những mẫu tranh Đông Hồ mà bảo tàng Pháp sưu tập được và gửi sang cho gia đình. Nhờ vậy, gia đình chị có được nhiều mẫu khắc nguyên bản như xưa. Nhưng hiện nay, trong làng chỉ còn có hai, ba gia đình sản xuất loại tranh này.
Du khách đến tham gian và mua tranh Đông Hồ tại nhà Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
Rời nhà ông Nguyễn Đăng Chế, tôi rảo bước tham quan làng Đông Hồ. Ở đây, ngoài nhà ông Chế, còn một nhà khác là gia đình ông Nguyễn Hữu Sam cùng sản xuất tranh Đông Hồ. Nghe kể, còn có gia đình ông Trần Nhật Tấn cũng còn gắn bó với nghề này, nhưng tôi không tìm được.
Trước nhà ông Chế, ông Sam là một con đường bê tông xi măng bằng phẳng. Hai bên con đường làng này là nhiều gia đình làm ăn sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, như mở tiệm buôn bán tạp hóa, bán quán ăn, quán nước v.v...
Một người dân địa phương chỉ cho tôi biết: "Trước đây làng tranh Đông Hồ rải rác từ phía sau ngôi nhà của bác Chế hiện nay, trải dài qua tận cuối con đường này. Những năm gần nay gia đình bác Chế mới mua đất cất nhà ở vị trí này, để thuận tiện cho khách tham quan, mua sắm".
Làng tranh Đông Hồ là một làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Có thể chia tranh Đông Hồ thành 7 loại chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
Vật liệu để làm ra loại tranh này là loại giấy dó. Màu sử dụng in tranh cũng được làm từ nguồn gốc thiên nhiên, như màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của sỏi đỏ, gỗ vang, màu trắng từ bột vỏ sò điệp và màu đen của than lá tre. Tính đến nay, tranh Đông Hồ là dòng tranh duy nhất của nước ta thể hiện xã hội Việt cổ truyền, góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ những vốn văn hoá truyền thống của dân tộc và làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú.
Tuy nhiên, hiện nay, lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã không còn nhiều. Làng Đông Hồ có thêm nghề làm vàng mã, nên nhiều gia đình đã chuyển nghề.
Thời điểm đầu tháng 10, gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã sản xuất tranh Tết.
Theo thống kê mới đây, hiện nay, cả làng Đông Hồ chỉ còn 3 nghệ nhân, nhưng chỉ có 2 người có khả năng truyền dạy nghề, đó là ông Nguyễn Hữu Sam và ông Nguyễn Đăng Chế, và cả 2 nghệ nhân này đều đã cao tuổi.
Cũng may, năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, nghề này đã được Bộ VHTT-DL phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh cùng các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học về nghề này để trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.
Hy vọng, trong tương lai, khi nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể sẽ góp phần bảo tồn và phát huy một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo.
Đại Dương