Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Đâu rồi ngày truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện ?
2013-08-18 09:18:00

Không ít cán bộ, nhân viên của ngành Bưu điện và ngành Viễn thông trong tỉnh hiện nay cảm thấy buồn và hụt hẫng khi đến ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam.

HTML clipboardKhông ít cán bộ, nhân viên của ngành Bưu điện và ngành Viễn thông trong tỉnh hiện nay cảm thấy buồn và hụt hẫng khi đến ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam.

Hình ảnh các chiến sĩ Giao bưu vận Trung ương Cục miền Nam năm xưa tại Phòng Truyền thống Bưu điện TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.H.T

(BTN) - Ngày 15.8.2013, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam long trọng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là vinh dự lớn lao của hai ngành thuộc lĩnh vực giao bưu và thông tin trong thời kỳ kháng chiến. Việc đón nhận Huân chương càng có ý nghĩa to lớn hơn khi ngày tổ chức lễ chính là ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam. Đến tham dự có nhiều quan khách từng giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải… đồng thời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trực tiếp đến trao danh hiệu Anh hùng càng làm tăng ý nghĩa tôn vinh công lao của ngành trong công cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam.

Thế nhưng, trong ngày truyền thống vẻ vang này, ở Tây Ninh không hề có hoạt động kỷ niệm gì và trong những năm gần đây, dường như ngày truyền thống ngành Bưu điện 15.8 không còn mấy ai nhớ đến.

QUÂN BƯU TÂY NINH- MỘT THỜI HÀO HÙNG

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 14 và 15.8.1945 đã thông qua Nghị quyết về công tác giao thông liên lạc, trong đó ghi “Lập Ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ”. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, khởi nguồn cho sự ra đời của ngành Bưu điện Việt Nam. Với ý nghĩa đó, ngày 15.8.1945 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện.

Ở Tây Ninh, ngày 14.8.1945 bộ phận chuyên trách giao liên được thành lập, đánh dấu bước phát triển qua từng giai đoạn của ngành Bưu điện Tây Ninh. Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền ở Tây Ninh, bộ phận chuyên trách giao liên của Ban cán sự Tỉnh đã băng rừng vượt suối, len lỏi trong vùng địch hậu, vượt qua tai mắt địch để truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh xuống cơ sở, nối mạng đường dây liên lạc từ Ban cán sự tỉnh về Xứ uỷ.

Tháng 10.1947, do nhu cầu phát triển của cách mạng, Uỷ ban Hành chánh kháng chiến tỉnh chính thức ra quyết định thành lập Ty Giao thông Liên lạc Tây Ninh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng cán bộ chiến sĩ ngành Thông tin Liên lạc Tây Ninh đã đưa đường và bảo vệ cho hơn 1.800 lượt cán bộ, chiến sĩ; đã chiến đấu hơn 200 trận lớn nhỏ; đào đắp hơn 11.000 hầm hào công sự và hầm bí mật, vận chuyển hàng ngàn công văn tài liệu.

Sau ngày hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, trước tình hình đặc biệt khó khăn, Ty Giao thông Liên lạc Tây Ninh chuyển thành Tổ giao liên mật với biên chế rút gọn hơn, nhưng nhiệm vụ lại nặng nề hơn. Năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Tây Ninh là một trong những địa bàn đầu tiên có mặt quân đội viễn chinh Mỹ. Trước tình hình cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng leo thang, Bộ Tư lệnh Miền quyết định giao bộ phận Giao bưu về trực thuộc Tỉnh đội Tây Ninh và đổi tên thành Ban Quân bưu tỉnh Tây Ninh. Tháng 5.1970, theo quyết định của TW cục, Ban Quân bưu trực thuộc Tỉnh đội được trao trả về cho hệ dân chính với tên gọi Ban Giao bưu trực thuộc Tỉnh uỷ. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ, các chiến sĩ Giao bưu đã để lại nhiều tấm gương chiến đấu trung kiên, trong đó có 114 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hàng trăm chiến sĩ bị thương tật, tù đày.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tây Ninh bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Kế thừa và phát huy truyền thống trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngành Bưu điện Tây Ninh tiếp tục có nhiều cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà. Trên cơ sở tiếp quản đầu tiên chỉ có 1 tổng đài PC 100 số với đường truyền dẫn về TP. HCM bằng viba 12 kênh (nhưng chỉ còn sử dụng được có 2 kênh) và hệ thống viễn thông ở các huyện hầu như chưa có, đến nay, cả lĩnh vực bưu chính và viễn thông đã phát triển mạnh mẽ, vươn lên hàng đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại và phạm vi phục vụ đã đều khắp- từ thành thị đến các vùng nông thôn, biên giới. Với đà phát triển ngày càng nhanh, nhiều tuyến cáp treo được thay bằng cáp ngầm, truyền dẫn Thị xã đi các huyện được thay bằng cáp quang, mạng bưu điện văn hoá xã được xây dựng phục vụ nhân dân vùng sâu, xùng xa, vùng biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, đồng thời góp phần nâng cao dân trí vùng nông thôn.

Trong nhiều năm trước đây, năm nào đến ngày 15.8, ngành Bưu điện Tây Ninh cũng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ôn lại truyền thống, đồng thời thực hiện nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa, thăm viếng, tặng quà các đối tượng chính sách, cán bộ trong ngành nghỉ hưu... làm cho truyền thống hào hùng trong thời kỳ kháng chiến, sự nỗ lực phát triển trong thời kỳ xây dựng quê hương và những thành tựu vượt bậc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà luôn được người trong ngành và cả người ngoài ngành nhớ đến.

Thế nhưng...

CÒN ĐÂU NGÀY TRUYỀN THỐNG?

Ngày 1.1.2008, Bưu điện Tây Ninh được tách thành 2 đơn vị là Viễn thông Tây Ninh và Bưu điện Tây Ninh. Theo đó, Viễn thông Tây Ninh là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và kinh doanh mạng viễn thông, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trực thuộc Viễn thông Tây Ninh gồm có: 1 trung tâm viễn thông Thị xã, 8 trung tâm viễn thông cấp huyện, Trung tâm dịch vụ khách hàng, trung tâm chuyển mạch truyền dẫn, Trung tâm tin học. Còn Bưu điện Tây Ninh thì phụ trách các mảng bưu chính còn lại.

Tuy cả Viễn thông Tây Ninh cùng Bưu điện Tây Ninh đều trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nhưng là hai đơn vị riêng, hoạt động độc lập nhau. Đồng thời trên địa bàn tỉnh, ngoài Viễn thông Tây Ninh, lĩnh vực viễn thông còn có thêm đơn vị khác hoạt động. Từ đó, việc tổ chức ngày truyền thống ngành Bưu điện bắt đầu “lơi” dần. Bởi vì thực tế, dù hai đơn vị Bưu điện Tây Ninh và Viễn thông Tây Ninh đều là “con chung” của ngành Bưu điện trước đây, nhưng sau khi “ra riêng”, không ai được giao nhiệm vụ tiếp tục duy trì, tổ chức ngày truyền thống ngành Bưu điện hằng năm. Còn những đơn vị mới tham gia lĩnh vực viễn thông trong những năm gần đây theo “cơ chế thị trường” thì gần như chẳng mấy quan tâm đến lịch sử hào hùng của ngành trong thời kỳ kháng chiến ở Tây Ninh.

Bưu điện tỉnh Tây Ninh ngày nay

Do đó, từ sau khi chia tách thành hai ngành Bưu chính và Viễn thông vào năm 2010 đến nay, chỉ có 1 lần ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam được tổ chức với sự chủ trì của Sở Thông tin Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị hoạt động lĩnh vực bưu chính và viễn thông trên địa bàn tỉnh. Sở dĩ ngày 15.8.2010, ngày truyền thống ngành Bưu điện được tổ chức là do đây là năm chẵn- kỷ niệm 65 năm (15.8.1945 - 15.8.2010), còn trước đó và sau đó không được tổ chức. Cũng cần nói thêm là sau khi chia tách, cả hai đơn vị Bưu điện Tây Ninh và Viễn thông Tây Ninh đều chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Thông tin Truyền thông, nhưng không phải là đơn vị trực thuộc. Hơn nữa, lĩnh vực bưu chính - viễn thông cũng chỉ là một trong nhiều lĩnh vực mà Sở chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước nên không thể tập trung sự quan tâm chỉ với ngành này. Do đó, những năm thường (không phải là năm chẵn) như năm nay thì ngày truyền thống ngành Bưu điện không được tổ chức.

Điều đáng chú ý là khi ngày truyền thống không được tổ chức thì ngoài việc ý nghĩa của sự đóng góp to lớn của ngành Bưu điện trong thời kháng chiến cũng như thời kỳ xây dựng không được nhiều người nhớ đến, mà những hoạt động kèm theo như đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi gia đình chính sách của ngành cũng ngày càng giảm theo.

CẦN ĐƯỢC DUY TRÌ HẰNG NĂM

Không ít cán bộ, nhân viên của ngành Bưu điện và ngành Viễn thông trong tỉnh hiện nay cảm thấy buồn và hụt hẫng khi đến ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam. Trong những ngày này nhiều năm trước đây- khi còn là ngành Bưu điện chung, được tổ chức rộn ràng, ngoài công tác đền ơn đáp nghĩa còn nhiều hoạt động văn thể mỹ diễn ra- từ tỉnh đến các huyện, xã trong tỉnh. Không chỉ những người trong ngành mà kể cả người ngoài ngành cũng phấn khởi chung vui. Và vui nhất là những chiến sĩ từng hoạt động lĩnh vực thông tin, giao bưu trước đây, nay đã nghỉ hưu, khi đến ngày truyền thống lại có dịp gặp nhau, ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng. Nhưng nay thì họ ít có dịp vui như vậy nữa.

Chính vì thế mà không ít người cho rằng ngày truyền thống ngành Bưu điện 15.8 cần được duy trì, tổ chức thường xuyên hằng năm. Việc duy trì có lẽ là không quá khó, vấn đề là cần có sự bàn bạc, thống nhất đơn vị nào là đơn vị chủ trì tổ chức ngày truyền thống.

Cựu chiến sĩ giao bưu vận Trung ương Cục miền Nam miêu tả lại cách thồ hàng năm xưa tại Phòng truyền thống Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.H.T

Một số ý kiến của người trong ngành cho rằng, tuy Sở Thông tin Truyền thông tỉnh không phải là đơn vị chủ quản của các đơn vị hoạt động lĩnh vực Bưu chính và Viễn thông ở tỉnh, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước thì Sở Thông tin Truyền thông có đủ “tư cách” đứng ra chủ trì tổ chức ngày truyền thống ngành Bưu điện hằng năm. Tất nhiên, trong những ngày kỷ niệm này, Bưu điện Tây Ninh, Viễn thông Tây Ninh và các đơn vị hoạt động lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh đều có trách nhiệm tổ chức chung các hoạt động chào mừng ngày kỷ niệm vẻ vang của ngành mình.

Hiện nay, hầu như các ngành đều đã và đang phải bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu lịch sử, mở hội thảo chuyên đề để xác định ngày truyền thống nhằm ghi nhận công lao thế hệ trước, giáo dục thế hệ sau. Trong khi đó, ngành Bưu chính Viễn thông đã có ngày truyền thống vẻ vang của ngành mình và đã từng hân hoan tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm để ôn lại truyền thống, tạo thêm động lực để ngày càng phát triển mạnh hơn, thì bây giờ... không vì lý do gì để ngày truyền thống vẻ vang này bị lãng quên do nhiều năm mới được tổ chức một lần.

Sơn Trần

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin liên quan