Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những năm gần đây, trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tình trạng tham nhũng vẫn còn khá nghiêm trọng; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng để tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Cần nhận thức rằng, việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả những người từng giữ cương vị công tác rất cao trong thời gian qua là minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó đã mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống “nội xâm”.
Một điều rất rõ đó là, để cụ thể hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật được ban hành tạo sự đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực một cách kiên quyết, không có vùng cấm.
Vận dụng sáng tạo quan điểm “Kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã được chỉ đạo quyết liệt; tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, “Cấp uỷ, Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu”.
Điển hình như vụ đại án Việt Á. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, liên quan đến "chùm án" Việt Á, đã khởi tố 33 vụ án, trên 111 bị can với 6 tội danh. Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra, phấn đấu đến cuối năm kết thúc điều tra, truy tố xét xử cả "chùm án" này.
Hay như vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Viện KSND tối cao truy tố 54 bị can. Trong đó có 18 bị can bị truy tố tội "Nhận hối lộ" với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Sau gần 3 tuần xét xử và nghị án, chiều 28.7.2023, Hội đồng xét xử đã tuyên án phạt 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Toà tuyên phạt mức án cao nhất là tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” đối với 3 bị cáo: Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng pPhòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an).
Qua đó cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện theo tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; tổ chức thực hiện phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Tại Tây Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quyết định số 1916-QĐ/TU, ngày 17.6.2022 thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và đến ngày 24.6.2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tây Ninh.
Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên, do ông Nguyễn Thành Tâm- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng ban; có 5 phó trưởng ban và 9 Uỷ viên.
Ban Nội chính Tỉnh uỷ đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo xử lý có hiệu quả 5 vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, như vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hoà Thành); vụ án Trung tâm Y tế Hoà Thành; vụ án xảy ra tại Trung tâm Pháp y tỉnh, vụ án xảy ra tại Trung tâm Y tế Châu Thành…”.
Thực tế năm 2022, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 5 tin báo mới về tham nhũng, kết thúc điều tra 12 vụ/26 bị can, tăng 8 vụ/21 bị can so với năm 2021; Viện Kiểm sát các cấp truy tố 100% các vụ án do cơ quan điều tra chuyển sang, không còn án tồn; Toà án xét xử 16 vụ/29 bị cáo, tăng 12 vụ so với năm 2021; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt khoảng 98%.
Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm cao của Tỉnh uỷ trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan, đơn vị. Việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: Giữ vững nền tảng tư tưởng, thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; các cấp uỷ, tổ chức Đảng chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị; tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của cấp uỷ, UBKT các cấp.
Minh Bảo (Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh)