Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh là 21 tỷ đồng. Kế hoạch cụ thể hoá việc tổ chức thực hiện nhằm ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu suy thoái tài nguyên thiên nhiên, khai thác sử dụng hợp lý bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Cán bộ kỹ thuật Sở TN&MT lấy mẫu nước bị ô nhiễm đưa đi phân tích.
Mục tiêu của kế hoạch là giải quyết ô nhiễm môi trường, kiểm soát ô nhiễm ở các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu dân cư, đô thị và các khu khai thác chế biến khoáng sản; xử lý triệt để các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh; bảo vệ đa dạng sinh học… Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực giám sát và thông tin về chất lượng môi trường.
Kế hoạch đề ra nhiệm vụ tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ này, UBND tỉnh yêu cầu xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan có liên quan trong công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp. Từ đó, tăng cường thanh tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp phải thiết kế lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý, kết nối cơ sở dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước để theo dõi, giám sát. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư nhằm ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, dự án thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế chuyển giao công nghệ triển khai trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng chú trọng công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; thực hiện nghiêm các quy định về ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra, thanh tra chặt chẽ các hoạt động cải tạo phục hồi môi trường trước khi hoàn trả tiền ký quỹ, việc chấp hành quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, việc khắc phục ô nhiễm tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản; tiến hành kiểm tra, thanh tra kịp thời đối với các dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để chấn chỉnh việc thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường. Đối với các lưu vực sông, cơ quan chức năng khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Một thực trạng khác đang được xã hội quan tâm là ô nhiễm môi trường nông thôn, ngành nghề nông thôn. Đối với vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu các cấp các ngành tập trung tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường; cải thiện môi trường sống, thay đổi các tập quán sinh sống làm tổn hại các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch, ưu tiên bố trí quỹ đất thoả đáng để xây dựng hệ thống hạ tầng, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn, quy hoạch để dần đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; đẩy mạnh các dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; duy trì và phát triển diện tích rừng đầu nguồn, đặc biệt tại các vùng có nguy cơ ngập lụt và trượt, lở đất.
Đối với ngành nghề nông thôn, chính quyền và ngành chức năng phải tăng cường công tác bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường tại các hộ, cơ sở làm nghề, nghề truyền thống; xây dựng kế hoạch, giải pháp lộ trình bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường tại các hộ, cơ sở làm nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Từ năm 2016, Tây Ninh tăng cường giám sát việc bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng và các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng. Đồng thời tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các khu dân cư tập trung như: hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải; hệ thống thu gom, các điểm trung chuyển và xử lý rác thải; cải tạo và nạo vét các tuyến kênh, mương, sông, suối qua các khu dân cư, trung tâm đô thị bị ô nhiễm; đảm bảo cảnh quan môi trường và chất lượng nước; bố trí đủ các công trình vệ sinh công cộng tại các điểm dịch vụ, du lịch, bến xe, các cây xăng dọc quốc lộ; xây dựng quy định yêu cầu các điểm rửa xe phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường.
Tỉnh cũng kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu vực đông dân cư; đầu tư nâng cao năng lực thu gom và xử lý rác thải; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy chuẩn về xây dựng tại các khu đô thị mới, các công trình công cộng; xây dựng hệ thống thông tin môi trường nhằm công khai hoá thông tin về chất lượng môi trường tại các khu đô thị phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước.
ĐÌNH CHUNG