Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau thời gian dài phải nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, ngày 4.5, học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đã đến trường để tiếp tục học kỳ 2 của năm học 2019-2020. Tuy nhiên, hiện vẫn đang trong thời gian phòng, chống dịch bệnh nên trường học chưa thể hoạt động như bình thường.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn xếp hàng đo thân nhiệt trước khi vào lớp.
Khó tránh khỏi xáo trộn
Ông Lý Thanh Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bến Cầu cho biết, khi đi học lại, các trường tổ chức đo thân nhiệt cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, tất cả đều phải đeo khẩu trang từ nhà đến trường, trong suốt thời gian học và từ trường về nhà.
Các trường bố trí người đón, trả học sinh trước cổng, không cho người lạ vào sân trường. Nhà trường thực hiện giãn cách, số học sinh trong mỗi phòng không quá 30 học sinh, bảo đảm khoảng cách giữa hai học sinh tối thiểu 1 mét. Phòng đã chỉ đạo các trường bố trí học lệch ca sáng, chiều để giảm sĩ số học sinh có mặt tại trường cùng một thời điểm. Giờ ra chơi học sinh được yêu cầu nghỉ giải lao tại chỗ, khi cần đi vệ sinh cá nhân thì đi từng người một.
Tại mỗi lớp học, bố trí 1 chai nước rửa tay khô, pa-nô, áp-phích về phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa ra vào mỗi lớp học để nhắc nhở học sinh trong phòng, chống dịch. Tại địa phương này, tính đến ngày 5.5, còn 150 học sinh chưa đến trường.
Trong đó, 21 học sinh gia đình báo bệnh thông thường nên ở nhà, 1 học sinh từ Campuchia về đang cách ly tại TTYT huyện, 7 trường hợp còn ở nước ngoài, còn lại các trường hợp khác. Tính đến 7 giờ 30, ngày 5.5, Bến Cầu chưa phát hiện học sinh nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Cũng như một số địa phương khác, sau khi phải chia lớp để giảm số học sinh trong mỗi lớp, tổng số lớp học trong từng trường ở huyện Bến Cầu tăng mạnh. Trường tiểu học thị trấn Bến Cầu trước chỉ có 28 lớp, nay tăng thêm 10 lớp. Mặc dù trong mỗi lớp không được bố trí quá 30 học sinh nhưng để giữ được đúng khoảng cách một mét, không phải lúc nào cũng thực hiện được, vì học sinh tiểu học còn nhỏ, ý thức các em chưa cao. Để bảo đảm đúng khoảng cách, giáo viên phải thường xuyên nhắc nhở học sinh ngồi đúng vị trí.
Tại Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn, nhà trường cho lắp đặt hệ thống nước rửa tay trong sân trường, đồng thời trang bị bốn máy đo thân nhiệt. Để phòng, chống dịch, nhà trường chia mỗi lớp thành 30 học sinh, toàn trường sau khi chia có 22 lớp, tăng 7 lớp.
Sau khi chia lớp, tổng số giờ dạy của giáo viên tăng cao, vượt định mức so với quy định. “Giáo viên chưa đề cập đến gì đến chế độ thừa giờ, tình hình chung, trước mắt, cố gắng dạy cho hoàn thành chương trình”- lãnh đạo nhà trường thông tin. Trong buổi đi học đầu tiên, trường này có 5 học sinh vắng mặt, trong đó có 2 trường hợp có lý do, 3 trường hợp còn lại liên lạc chưa được (thời điểm ngày 5.5).
Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học, bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT đã có nhiều biện pháp. “Giáo viên chủ nhiệm lớp được yêu cầu nắm số điện thoại của từng học sinh hoặc phụ huynh học sinh”- ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở cho biết.
Ông Phước thông tin thêm, qua hai ngày 4 và 5.5, học sinh toàn tỉnh đã đến trường, dù số em vắng mặt cũng còn nhiều. Trước khi nối lại các hoạt động giáo dục, lãnh đạo Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất như bố trí lại bàn ghế, chuẩn bị phương án chia lớp.
“Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi bố trí mỗi em học sinh ngồi cách nhau một mét. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường phải hết sức chú ý khâu vệ sinh trong nhà trường”- ông Phước nói.
Liên quan đến vấn đề chuyên môn, chia tách lớp, giáo viên dạy tăng tiết, ông Phước thừa nhận có nhiều xáo trộn. Trước mắt, ngành tập trung ưu tiên cho học sinh lớp 9 và lớp 12, hai lớp học cuối cấp liên quan nhiều đến thi cử.
Trả lời câu hỏi về chế độ chính sách đối với giáo viên, ông Phước cho biết sẽ có tính toán để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Liên quan đến bậc học mầm non, lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin, sau tuần học đầu tiên dành cho học sinh phổ thông, theo kế hoạch, đầu tuần sau (11.5) sẽ cho học sinh mầm non đến trường nhưng có thể chưa học bán trú.
Giáo viên phải dạy vượt tiết quá nhiều
Tại huyện Dương Minh Châu, lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết, sau khi chia tách lớp, ở cấp tiểu học, tình hình lớp học, phòng học cơ bản ổn định. Những trường chuẩn quốc gia, theo quy định, mỗi lớp không quá 35 học sinh, do đó không nhất thiết phải chia lớp.
Nhưng với những trường chưa đạt chuẩn, số học sinh trong mỗi lớp cao hơn thì bắt buộc phải chia. Khi chia, giáo viên phải làm việc gấp đôi so với trước đó nên khối lượng công việc rất lớn. Ở cấp THCS, huyện Dương Minh Châu có 3 trường sau khi chia tách lớp, số lớp tăng mạnh, gồm THCS Thị trấn, THCS Bàu Năng và THCS Truông Mít.
“Trường THCS Thị trấn trước khi chia chỉ có 20 lớp, hiện nay 31 lớp, tăng 11 lớp. Tính sơ bộ, mỗi tuần giáo viên trường này dạy thừa giờ, quy ra tiền lên đến khoảng 45 triệu đồng. Nếu việc chia tách kéo dài khoảng một tháng thì số tiền thừa giờ của giáo viên trường này lên đến khoảng 180 triệu đồng” - lãnh đạo Phòng GD&ĐT tính toán. Về tình hình phòng học, do chia tách lớp, những trường chưa đạt chuẩn phải sử dụng phòng chức năng, phòng học bộ môn làm phòng học. Riêng trường chuẩn quốc gia thì mỗi lớp một phòng nên số phòng học không thiếu.
Một vấn đề đặt ra lúc này, theo kế hoạch, tuần sau (11.5), học sinh mầm non sẽ đi học trở lại. Bậc này có đặc điểm riêng, hoàn toàn khác bậc học phổ thông, từ lứa tuổi, chương trình học cho đến tổ chức lớp học. Vậy, việc tổ chức cho bậc học mầm non sẽ thực hiện như thế nào? Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, bậc học mầm non không thể chia lớp như học sinh phổ thông.
Có trường được bố trí hai giáo viên một lớp, có trường chỉ một giáo viên. Do đó, nếu tách lớp sẽ rất khó bố trí giáo viên chăm sóc học sinh. Lớp học mầm non cũng không giống như lớp học phổ thông, do việc giữ khoảng cách mỗi cháu một mét là điều khó thực hiện.
Điều quan trọng hơn, bậc học này, học sinh còn rất nhỏ tuổi (3 - 5 tuổi), giáo viên phải luôn có mặt với học trò, không thể xa rời các cháu. “Đầu tuần sau học sinh mầm non đi học trở lại, vậy có tổ chức bán trú không, các cháu phải đeo khẩu trang không? Nếu không tổ chức bán trú, nếu chưa mở lớp bán trú, học sinh sẽ vắng nhiều, vì con em công nhân, không thể đón con ngày hai, ba lần”- một trưởng phòng GD&ĐT nêu băn khoăn.
Nghiêm túc thực hiện chỉ thị 19
Ngày 4.5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại tại các trường trên địa bàn tỉnh.
Sau khi kiểm tra thực tế tại một số trường như Trường tiểu học Kim Đồng, Trường THPT Lý Thường Kiệt, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường TH - THCS - THPT TTC Tây Ninh và nghe lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện ban giám hiệu các trường báo cáo tình hình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu hiệu trưởng các điểm trường trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24.4 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 25.4.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng thời thực hiện đúng tinh thần Công văn số 550/BGDĐT-GDTC ngày 25.2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học. Các đơn vị trường học thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp học hằng ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn. Chuẩn bị nước sát khuẩn trước từng phòng học hoặc nơi rửa tay bằng xà phòng tại vị trí thuận lợi, dán các bảng khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 ngay trước các phòng học.
Tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh phải xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường nhưng bảo đảm theo công tác phòng, chống dịch, giãn số học sinh trong phòng học theo quy định khoảng cách tối thiểu 1m, bố trí lệch giờ học, lệch giờ ra chơi hoặc ra chơi học sinh ngồi tại lớp trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg và Chỉ thị số 06/CT-UBND.
Đối với học sinh tiểu học, giáo viên phải thường xuyên theo dõi việc đeo khẩu trang của học sinh trong các buổi học, hướng dẫn các em bảo đảm không bị ngột ngạt, khó thở, ảnh hưởng đến sức khoẻ của học sinh. Đối với Trường TH - THCS - THPT TTC Tây Ninh, phải bảo đảm việc khai báo y tế đối với giáo viên người nước ngoài, thực hiện việc cách ly theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Trường cao đẳng nghề Tây Ninh bố trí chỗ ngồi trong lớp học có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế, bảo đảm ngồi cách nhau tối thiểu 1m. Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trong trường học nhất là việc giãn cách học sinh trong lớp học, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung chỉ đạo trên.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại Trường cao đẳng nghề Tây Ninh đúng theo hướng dẫn của ngành y tế.
Việt Đông