Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thông tin tiếp vụ tàu không số hiệu hút cát gần rừng phòng hộ Dầu Tiếng:
Đây là hoạt động khai thác cát trái phép
Thứ sáu: 08:43 ngày 15/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Liên quan đến bài báo “Phát hiện tàu không số hiệu hút cát gần rừng phòng hộ Dầu Tiếng” đăng trên Báo Tây Ninh ngày 11.3.2024, cơ quan chức năng xác định đây là hoạt động khai thác cát trái phép.

Tổ công tác của Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng khảo sát tại Ùn Cầu Sập vào ngày 12.3.2024

Cách xa phạm vi được cấp phép 1km

Ngày 11.3, Báo Tây Ninh có bài phản ánh về một tàu sắt cỡ lớn, không số hiệu tiến sâu vào một ngọn nước (Ùn Cầu Sập) giáp rừng phòng hộ Dầu Tiếng để bơm hút cát. Tại thời điểm quan sát, tàu tấp sát vào dãy bờ đất có rừng tự nhiên để hút cát. Trong khi khu vực này bị sạt lở rất nghiêm trọng, nhiều cây rừng tự nhiên đã rớt xuống dòng nước, số khác đang có nguy cơ gặp phải tình trạng tương tự.

Nhằm làm rõ hoạt động bất thường nêu trên, ngày 12.3, tác giả bài viết đã liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) để nắm thêm các thông tin liên quan. Tại Sở Tài nguyên và Môi trường, bà Trương Thị Ngọc Thuý- Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước cho biết, sau khi Báo Tây Ninh đăng bài nêu trên, Sở chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu phối hợp Công an huyện khảo sát thực tế tại vị trí mà bài báo đã nêu.

Kết quả sau khảo sát cho thấy, vị trí mà tàu không số hiệu hút cát như bài báo đã nêu thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, cách xa phạm vi được cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực này 1 km, nằm ngoài phạm vi được cấp phép- tức đây là hoạt động khai thác cát trái phép. Vào thời điểm cơ quan chức năng đến khảo sát thì không còn tàu khai thác cát tại đó. Do vậy, việc xác định tàu không số hiệu trên là của ai hoặc công ty, doanh nghiệp nào vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Bà Thuý khái quát thêm về quá trình cấp phép cho các doanh nghiệp, công ty tại đoạn sông Sài Gòn ngang qua ngọn nước trên. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 50/GP-UBND ngày 7.10.2010 cho doanh nghiệp tư nhân Thái Thịnh, loại khoáng sản khai thác cát xây dựng tại thượng nguồn sông Sài Gòn, chiều dài 16km thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; thời gian khai thác 10 năm, trữ lượng khai thác 914.206 m3, công suất khai thác 30.000 m3/năm.

Ngày 1.12.2017, UBND tỉnh Bình Phước cấp Giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản số 71/GP-UBND từ doanh nghiệp tư nhân Thái Thịnh cho Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ tại thượng nguồn sông Sài Gòn, chiều dài 16km thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, thời gian khai thác đến ngày 7.10.2020, trữ lượng khai thác 895.240 m3, công suất khai thác 30.000 m3/năm.

Đến ngày 29.12.2020, UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng (gia hạn) số 113/GP-UBND cho Công ty Phú Thọ thêm 2 năm, với chiều dài, địa phận, trữ lượng và công suất tương tự như giấy phép số 71/GP-UBND nêu trên. Sau đó, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Phú Thọ thêm 2 năm (Giấy phép số 105/GP-UBND ngày 19.12.2022) kể từ ngày 29.12.2022.

Bà Thuý cho hay, qua đối chiếu vị trí của tàu bơm hút cát mà Báo Tây Ninh đã đề cập thì nằm ngoài khu vực khai thác của Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ, cách khu vực này gần nhất về phía Tây 1 km và thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh.

Ông Phạm Chí Trung (bìa ngoài) cùng cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đang đo đạc xác định phạm vi đất lâm nghiệp tại Ùn Cầu Sập.

Sạt lở rất nghiêm trọng

Cùng ngày 12.3, ông Phạm Chí Trung- Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, khoảng cuối tháng 11.2023, bảo vệ rừng có phát hiện tàu bơm hút cát tại ngọn nước trên và báo về BQL. BQL chỉ đạo bộ phận kỹ thuật đến khảo sát thì thấy đoạn ngọn nước bị sạt lở nằm tại khu vực khoảnh 8, 9, tiểu khu 58.

Bộ phận kỹ thuật tiến hành đo đạc và xác định phạm vi bị sạt lở nằm ngoài diện tích đất do BQL quản lý. Thời điểm đó, BQL đang tập trung nhân lực cho công tác nghiệm thu cây rừng cuối năm, trồng và chăm sóc rừng, nhất là chuẩn bị cho việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô. Do đó, từ cuối tháng 11.2023 đến nay, BQL không thường xuyên đến kiểm tra khu vực này.

“Mặc dù đất đó không nằm trong diện tích do BQL quản lý, nhưng về mặt nhiệm vụ được giao thì BQL có vai trò và trách nhiệm quản lý, bảo vệ cây rừng trên đất, kể cả đất đó chỉ nằm gần hoặc giáp với đất quy hoạch lâm nghiệp do BQL quản lý. Tuy nhiên, vì một số lý do như đã nêu mà BQL đã không thường xuyên đến kiểm tra lại khu vực đất có cây rừng tự nhiên bị sạt lở, cho đến khi Báo Tây Ninh có bài phản ánh như vừa qua”- ông Phạm Chí Trung cho biết.

Một đoạn bờ vực có cây rừng tự nhiên bị sạt lở nhìn từ trên cao.

Cũng trong ngày 12.3, ông Phạm Chí Trung cùng với bộ phận kỹ thuật của BQL đến khu vực Ùn Cầu Sập để đo đạc, xác định lại phạm vi đất sạt lở gây rớt cây rừng tự nhiên xuống nước. Sau khi đo đạc, ông Trung cho hay phạm vi đất bị sạt lở vẫn chưa đến diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp do BQL quản lý. Về số liệu đo đạc chi tiết như thế nào, tình hình đất sạt lở gây ảnh hưởng đến cây rừng tự nhiên ra sao thì BQL sẽ có báo cáo cụ thể về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện tại, ở khu vực này, cả đoạn dài bờ vực đất cao có cây rừng tự nhiên trên đó bị sạt lở rất nghiêm trọng, uốn lượn về phía trong rừng kiểu hình răng cưa, hàm ếch. Dưới nước là hàng loạt cây rừng bị rớt xuống đó, chỉ còn lại phần ngọn khô héo nhô lên khỏi mặt nước. Có cả cây rừng và bụi le vẫn còn xanh lá khi bị rớt xuống nước. Trên mép bờ cao là hàng loạt cây rừng đang đứng trước nguy cơ tiếp tục rớt xuống nước.

Một đoạn bờ vực đất bị sạt lở nhìn ở cự ly gần.

Thực tế, có cây rừng sau khi đã “rơi” xuống dòng nước nhưng vẫn còn đứng thẳng và cách khá xa bờ vực hiện trạng. Với hình ảnh này có thể hình dung diện tích đất và cây rừng đã bị sạt lở xuống dòng nước trước đó là không nhỏ. Trong khi, Giám đốc BQL bước đầu xác định diện tích đất này không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp do BQL quản lý. Như vậy, phạm vi đất đang đề cập do đơn vị, cơ quan nào quản lý?

Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Trường Lộ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục