Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị:
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Thứ năm: 11:26 ngày 14/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 12.7, tại hội trường Tỉnh uỷ Tây Ninh, ông Nguyễn Chí Dũng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trì hội nghị đánh giá tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29.8.2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2.8.2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.

Hội nghị đánh giá tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có ông Nguyễn Thành Tâm- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh phối hợp ký kết các chương trình hợp tác phát triển song phương với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An cùng một số tập đoàn nhà nước như Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xác định các đột phá chiến lược thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT - XH) phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc và đạt một số kết quả cụ thể: Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao, GRDP bình quân giai đoạn 2005-2010 tăng 12,8%; giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,4% và giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,3%. GRDP năm 2020 đạt 87.686 tỷ đồng, tăng 7,6 lần so với năm 2005.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ năm 2020 chiếm 74% trong cơ cấu kinh tế (năm 2005 chiếm 57,8%). Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) tăng lên đáng kể  (theo giá cố định 2010): năm 2020 đạt 13,05; giai đoạn 2016 - 2020, ICOR bình quân đạt mức 6,8 (cả nước 7,04).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2005 - 2020 đạt trên 79.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14% năm. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc, luôn nằm trong top các tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài cao, luỹ kế đến nay thu hút 368 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao qua từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2005-2020 đạt 53.965 triệu USD; năm 2020 đạt 7,7 tỷ USD, tăng gấp 17,34 lần so với năm 2005.

Văn hoá – xã hội có nhiều chuyển biến, các mục tiêu, chỉ tiêu về văn hoá – xã hội đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong từng giai đoạn và đạt cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm xuống mức thấp nhất, luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0%, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo 1,32% (2.981 hộ)).

Cải cách hành chính được quan tâm, môi trường đầu tư cải thiện theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao. Quốc phòng – an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định, đặc biệt chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác.

Các nội dung thuộc Chương trình hợp tác, liên kết vùng được triển khai và đạt một số kết quả tích cực, nhất là đầu tư kết nối về hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, văn hoá - xã hội… Hạ tầng giao thông đường bộ phát triển nhanh chóng, rộng khắp và tương đối đồng bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, tỉnh nhìn nhận: quy mô nền kinh tế (GRDP) của tỉnh còn khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; GRDP bình quân đầu người còn thấp hơn bình quân cả nước, thu nhập bình quân đầu người bằng 70,5% so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khu kinh tế cửa khẩu phát triển chậm, hiệu quả chưa cao; khu công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là dư địa về đất đai lớn của địa phương. Hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ phát triển nhanh, song vẫn chưa đồng bộ; tỉnh chưa có đường cao tốc; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mang tính đột phá của tỉnh, chưa khai thác tiềm năng, lợi thế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, hiện các tỉnh đều đang thực hiện quy hoạch tỉnh nhưng phải phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ. Mà chỉ tiêu đất được phân bổ hiện nay còn chưa hợp lý, chưa theo nhu cầu phát triển.

Các thủ tục về chuyển đổi đất liên quan đến đất nông nghiệp không tương thích với luật đầu tư; quy định chấp nhận chủ trương đầu tư và công nhận nhà đầu tư không làm được do yếu tố liên quan đến đất.

Đây là một điểm nghẽn, muốn gỡ thì phải gỡ ngay từ yếu tố đất đai, phải xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt về lúa hai vụ ở các vùng trọng điểm chứ không xác định theo từng địa phương. 

Tây Ninh có dư địa về đất đai so với nhiều tỉnh để phát triển công nghiệp, đô thị nên nhiều nhà đầu tư lớn đã đến với Tây Ninh và có nhu cầu nghiên cứu, khảo sát về công nghiệp, đô thị. Tây Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng nhiệm vụ quy hoạch chung của khu kinh tế, các diễn giả, nhà khoa học đang tập trung hỗ trợ Tây Ninh thực hiện, theo hướng tạo ra động lực mới, chuyển từ thương mại dịch vụ qua công nghiệp và đô thị. 

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại hội nghị.

Đề xuất kiến nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ trong giai đoạn tiếp theo, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kiến nghị, trong nghị quyết phải xác định rõ vai trò về quy hoạch tổng thể của vùng, trên cơ sở bám vào quy hoạch đó, phân bổ về không gian phát triển, nguồn lực và đầu tư; trong quy hoạch của vùng, xác định hồ Dầu Tiếng không chỉ là công trình thuỷ lợi mà đưa vào phát triển đa mục tiêu. Hiện nay, hồ Dầu Tiếng có tiềm năng phát triển rất lớn như du lịch sinh thái, điện năng lượng mặt trời. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Dũng- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị, đối với cao tốc Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh, tỉnh phối hợp với TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, sớm trình, thẩm định, phê duyệt, triển khai, tránh tình trạng vừa đầu tư xong lại tắc nghẽn, lại mở rộng, nâng cấp...

Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả tuyến đường này, trong quy hoạch của tỉnh và các ngành phải tính ngay đến quy hoạch của phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị... xung quanh đường cao tốc, tạo thành hành lang kinh tế bên cạnh hành lang giao thông mới hình thành.

“Phải có quy hoạch ngay và phải giữ được quy hoạch, quản lý được quy hoạch để phát triển, phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc. Đường cao tốc này chắc chắn sẽ là cú hích rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới đây”- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đề nghị đẩy nhanh quy hoạch của tỉnh để gắn với quy hoạch vùng, gắn với định hướng của nghị quyết trong bối cảnh mới, tình hình mới để tranh thủ ngay các cơ hội, khai thác ngay tiềm năng, lợi thế. Mặt khác, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục