Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hoà giải viên ở cơ sở
Thứ năm: 17:44 ngày 04/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Hoà giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân.

Các hoà giải viên trao đổi công việc với Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu)

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.652 hoà giải viên và 540 tổ hoà giải ở cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ hoà giải thụ lý 215 vụ tranh chấp, đã đưa ra hoà giải xong 211 vụ. Trong đó, hoà giải thành 190 vụ (chiếm 90,05%); hoà giải không thành hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 21 vụ (chiếm 9,95%); đang hoà giải: 4 vụ. Địa phương đẩy mạnh thu hút đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ công an, biên phòng, lực lượng bảo vệ ở cơ sở, những người có kiến thức pháp luật... tham gia hỗ trợ hoạt động hoà giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên thực hiện việc kiểm tra công tác hoà giải ở cơ sở thông qua theo dõi tình hình hoạt động, kiểm tra việc ban hành văn bản, báo cáo, thông tin, phản ánh, sổ thống kê hoạt động hoà giải… của các cấp, ngành, UBND cấp xã và tổ hoà giải ở cơ sở.

Bà Đặng Thị Bích Hiền- Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, những năm qua, công tác hoà giải ở cơ sở được quan tâm triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoà giải ở cơ sở; tỷ lệ hoà giải thành ngày càng cao. Bên cạnh đó, hoà giải ở cơ sở cũng là một trong những tiêu chí để xét, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị thông minh. Tuy nhiên, hiện công tác hoà giải ở cơ sở vẫn còn gặp một số mặt tồn tại, hạn chế; một số mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp hoà giải không thành.

Trước đó, ngày 17.4.2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở, tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hoà giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đề án được triển khai thực hiện trên toàn quốc từ năm 2024 đến năm 2030 gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 2024 đến năm 2026): Thực hiện chỉ đạo điểm; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, hoà giải viên ở cơ sở; xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ năng cho hoà giải viên; sơ kết thực hiện Đề án. Giai đoạn 2 (từ năm 2027 đến năm 2030): Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở; hướng dẫn nhân rộng mô hình “cấp xã điển hình về hoà giải ở cơ sở” trên phạm vi cả nước; kiểm tra, tổng kết thực hiện Đề án.

Để nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên, một số UBND cấp huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở năm 2024 (huyện Gò Dầu 120 người tham dự; huyện Châu Thành 146 người tham dự; thị xã Hoà Thành 108 người tham dự). Ngày 26.6.2024, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho cho đội ngũ tập huấn viên hoà giải ở cơ sở cấp tỉnh, cấp huyện. Xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên), xã Long Thuận (huyện Bến Cầu), xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu) là xã chỉ đạo điểm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. Tổ hoà giải ở các xã xây dựng, duy trì chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Tại hội nghị, bà Đào Thị Anh Tuyết- Phó trưởng Phòng Xây dựng và Phổ biến pháp luật Sở Tư pháp đã thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở; trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác hoà giải ở cơ sở. Theo đó, để hoà giải thành công và nâng cao chất lượng hoà giải ở cơ sở, mỗi hoà giải viên không chỉ nắm vững chính sách, thể chế pháp luật trên các lĩnh vực mà còn phải giỏi kỹ năng, chuyên nghiệp trong công tác. Đặc biệt, hoà giải viên phải biết lồng ghép kỹ năng “dân vận khéo” vào trong quá trình hoà giải từng vụ, việc cụ thể.

“Vận dụng lý thuyết của dân vận trong công tác hoà giải chính là việc tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp dân giải quyết những khó khăn, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, làm cho họ thấy quyền lợi, nghĩa vụ, lợi ích hài hoà của mình trong mối quan hệ với người khác, với tập thể và xã hội. Việc “dân vận khéo” được lồng ghép trong từng kỹ năng cụ thể, từ kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với các bên đến kỹ năng điều hành buổi hoà giải và tư vấn, hướng dẫn, vận động các bên tự thoả thuận, dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp”- một cán bộ Sở Tư pháp chia sẻ.

Ông Ngô Văn Ân- Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hoà giải ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh (thành phố Tây Ninh) cho biết, được Sở Tư pháp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở, ông có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, đem lại sự hài hoà, bình yên trong cộng đồng dân cư.

Ông Lý Minh Hùng- Chủ tịch Hội Luật gia huyện Tân Châu chia sẻ, trong cuộc sống hằng ngày, giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ có công tác hoà giải ở cơ sở giúp hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. “Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tuyên truyền viên, hoà giải viên là rất cần thiết. Tôi sẽ cố gắng lắng nghe, tiếp thu những kiến thức, quy định pháp luật của hoà giải ở cơ sở, kỹ năng hoà giải ở cơ sở, sau đó về triển khai cho các hoà giải viên, tuyên truyền viên nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở địa phương”- Chủ tịch Hội Luật gia huyện Tân Châu nói.

Để công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao, bà Đặng Thị Bích Hiền- Phó Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các tập huấn viên, hoà giải viên trao đổi những vấn đề chưa rõ, hạn chế, khó khăn trong công tác hoà giải ở cơ sở của địa phương để Sở Tư pháp giải đáp, tháo gỡ kịp thời. Đối với những vướng mắc mới phát sinh, Sở Tư pháp ghi nhận, nghiên cứu, xin ý kiến lãnh đạo để hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị Phòng Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện; kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hoà giải ở cơ sở tại địa phương. UBND các xã, phường, thị trấn- nhất là các xã chỉ đạo điểm và xã xây dựng, duy trì chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh quan tâm hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các hoạt động chỉ đạo điểm; phấn đấu đạt tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật, chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục