BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ:

Đẩy mạnh hơn nữa 6 nhiệm vụ cải cách hành chính 

Cập nhật ngày: 16/11/2023 - 08:00

BTNO - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại phiên họp thứ sáu Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả công tác CCHC 10 tháng năm 2023, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 diễn ra chiều 14.11. Phiên họp được trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh

Dự tại điểm cầu tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và các thành viên Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đẩy mạnh CCHC trên tất cả các lĩnh vực.

Về cải cách thủ tục, Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng; trong quý III, tổ công tác tổ chức 2 phiên họp.

10 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hoá 341 quy định kinh doanh tại 30 văn bản quy phạm pháp luật; đơn giản hoá 437 TTHC để thực thi 19 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.

Tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ ngành, địa phương đều tăng so cùng kỳ.

Đối với Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp nhận trên 404.000 hồ sơ TTHC, gần 95% số hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn. Tỷ lệ TTHC của tỉnh đủ điều kiện cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến và đã được cung cấp trên cổng DVC quốc gia đạt 76,84% (chỉ tiêu Chính phủ giao tối thiểu là 70%). Tây Ninh là một trong 36 tỉnh, thành phố trên cả nước hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức kết nối được đầy đủ với cổng DVC quốc gia. 

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đến nay, 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn vị trí việc làm viên chức chuyên ngành.

Về cải cách chế độ công vụ, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 5 nghị định, 1 quyết định, đặc biệt là Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức.

Theo thống kê từ Bộ Công an, đến ngày 10.10.2023, đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử, trong đó đã kích hoạt 379,3 triệu tài khoản (chiếm 69,4% tổng tài khoản phê duyệt).

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định.

Người dân làm thủ tục cấp căn cước công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, gây phiền hà cho người dân; việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thực chất. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính...

Chỉ đạo về nhiệm vụ CCHC từ nay đến cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế; đẩy mạnh hơn nữa 6 nội dung CCHC. Trong đó, cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số, để tạo đột phá.

Đặc biệt, chú trọng CCHC từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường cho cơ sở giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách làm và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC được giao; đối thoại, chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về TTHC để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Thủ tướng giao Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ làm đầu mối chỉ đạo, đôn đốc.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để phục vụ triển khai có hiệu quả Đề án 06; ban hành, triển khai có hiệu quả các chính sách giảm phí, lệ phí, nhất là giảm thời gian giải quyết TTHC để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến.

Phương Thuý