Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trong lực lượng Công an nhân dân 

Cập nhật ngày: 16/06/2022 - 08:40

BTNO - Với Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), lực lượng Công an phát huy vai trò thường trực, gương mẫu đi đầu, sẵn sàng phối hợp với các cấp, ngành triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Công an xã Long Thành Nam hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Vì lợi ích của đất nước và nhân dân

Đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết: “Dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác thực, kết nối dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”.

Ngày 1.7.2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng chính thức được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân Việt Nam được số hoá. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp CCCD có gắn chip điện tử. Công an triển khai một cách bài bản, quyết liệt để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với sản xuất, cấp CCCD gắn chip điện tử. Với tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, 2 dự án này đã về đích đúng tiến độ.

Đến ngày 6.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 06, đánh dấu thời điểm 2 dự án ý nghĩa của Bộ Công an chuyển từ hình thái xây dựng, thu thập dữ liệu sang ứng dụng, phát triển dữ liệu. Với Đề án này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu với các ngành, địa phương, hướng tới phục vụ 5 nhóm tiện ích cốt lõi: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Việc phê duyệt Đề án 06 với 7 quan điểm chỉ đạo lớn và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp để thực hiện trên môi trường điện tử thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, phục vụ mọi người trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chip điện tử, cùng với ứng dụng VNEID giúp mọi người chỉ cần sử dụng thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện. Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội và công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế. Các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.

Quyết tâm triển khai “đúng, đủ, sạch, sống”

“Đúng, đủ, sạch, sống” là yêu cầu có ý nghĩa sống còn đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 4 từ ngắn gọn trên đòi hỏi sự tận tuỵ, trách nhiệm và sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Công an từ tỉnh đến cơ sở. Tranh thủ từng phút, từng giờ, mọi người làm việc xuyên đêm để “làm sạch” dữ liệu và cập nhật thường xuyên, góp phần thực hiện hiệu quả dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD- nền tảng quan trọng để triển khai Đề án 06.

Là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 06, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nỗ lực tổ chức thực hiện, bảo đảm các yếu tố về tiến độ, chất lượng, ý nghĩa của Đề án. Trung tá Lê Hồng Lương- Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thị xã Hoà Thành cho biết, xác định tầm quan trọng của Đề án, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thông qua đài phát thanh, nhóm Zalo, tổ dân cư tự quản… để mọi người biết được các tiện ích, tích cực tạo tài khoản sử dụng. Đối với một số trường hợp chưa biết cách thao tác trên điện thoại vẫn trực tiếp đến cơ quan Công an để giải quyết thủ tục hành chính thì cán bộ tại đơn vị sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, đồng thời hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, để khi có nhu cầu giải quyết công việc khác sẽ biết cách thao tác tại nhà. 

Công an tăng cường triển khai cấp định danh điện tử cho công dân, trước mắt ưu tiên cấp cho những người làm CCCD, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, giáo viên, những người được hưởng chính sách an sinh xã hội... để xác thực phục vụ cho các kỳ thi sắp tới và triển khai các gói an sinh xã hội của Chính phủ. Đến nay, Công an thị xã Hoà Thành đã thực hiện thông báo số định danh cho hơn 75.100 trường hợp; triển khai 11 dịch vụ công của Bộ Công an trên môi trường điện tử; tiếp nhận hơn 400 trường hợp thông báo lưu trú trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Với những cố gắng của lực lượng chức năng, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn thị xã Hoà Thành bước đầu đạt kết quả tích cực. Sắp tới, địa phương sẽ thực hiện chia sẻ thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với một số ngành có liên quan để người dân giao dịch với cơ quan Nhà nước bảo đảm nhanh chóng, chính xác và thuận tiện.

Trên địa bàn xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, Công an xã tham mưu Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định thành lập tổ công tác Đề án 06 cấp xã và 5 tổ công tác ở 5 ấp, cơ cấu thành viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên; tổ chức họp các tổ, triển khai nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm. Theo Đại uý Võ Thành Lâm- Trưởng Công an xã Long Thành Nam, một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án 06 chính là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Công an xã hướng dẫn người dân cách đăng ký thường trú online; gặp gỡ chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú giới thiệu những tiện ích mới, tạo tài khoản thực hiện thông báo lưu trú cho khách qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, có 2.789 nhân khẩu thực hiện đăng ký lưu trú ở các cơ sở.

Cán bộ Công an tra cứu số định danh cho công dân

“Bên cạnh hình thức tuyên truyền qua đài phát thanh, các cuộc họp, trên 97 nhóm zalo tổ dân cư tự quản, chúng tôi còn đến từng hộ gia đình để hướng dẫn. Dù việc này tốn kém nhân lực và thời gian nhưng sẽ mang đến hiệu quả thiết thực nhất. Công an tham mưu UBND xã ra quân triển khai Đề án 06, huy động ban, ngành, đoàn thể, giáo viên, học sinh, đoàn viên thanh niên đến từng hộ gia đình để phát tờ rơi giới thiệu về 25 dịch vụ công thiết yếu, hướng dẫn bà con tạo tài khoản sử dụng”, Trưởng Công an xã Long Thành Nam cho biết.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỷ lệ người dân tiếp cận với việc đăng ký giải quyết cư trú qua cổng dịch vụ công trên địa bàn phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh được tăng lên. Đại uý Nguyễn Thanh Thuận- Phó trưởng Công an phường Ninh Thạnh cho biết, dữ liệu dân cư, mã định danh cá nhân là nền tảng triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Trong quá trình triển khai, Công an địa phương luôn bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến 6 khu phố, khuyến khích mọi người nộp hồ sơ trực tuyến, hướng dẫn người dân đăng ký sim chính chủ và thực hiện tạo tài khoản. Sắp tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình, trực tiếp hướng dẫn bà con tạo tài khoản và biết cách sử dụng trong những trường hợp cụ thể.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh nói: “Việc đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú, cấp CCCD mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí”.

Sau một thời gian nỗ lực thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu thụ hưởng những thành quả nhất định. Đằng sau những kết quả ấy là sự nỗ lực ngày đêm của cán bộ, công chức của các cấp, ngành, địa phương- nhất là lực lượng Công an… mang đến sự chuyển đổi mạnh mẽ trên nền tảng số, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

Việc thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo lộ trình Đề án đang được triển khai thực hiện. Trong đó, Công an tỉnh đã thực hiện 8/11 dịch vụ công trực tuyến, ban hành và công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh 111 thủ tục, đã vận hành bước đầu thuận lợi, đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của ngành Công an, phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện.

Phương Thảo