BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chính phủ điện tử:

Đẩy mạnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số 

Cập nhật ngày: 27/08/2020 - 09:01

BTNO - Chiều 26.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc–Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với BCĐ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam-Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Lãnh đạo tỉnh và các thành viên BCĐ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh dự họp tại điểm cầu Tây Ninh.

Dự tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng và các thành viên BCĐ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2020, lần đầu tiên thuật ngữ Chính phủ số được Liên Hợp Quốc sử dụng làm chủ đề báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8.2017 đến tháng 7.2019.

Theo đó, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau 8 tháng hoạt động, Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 DVC trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính (TTHC) tại 4 cấp chính quyền. Cổng DVC quốc gia đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.

Từ tháng 3.2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVC quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch, riêng trong tháng 8.2020 có trên 3.000 giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi một số nội dung tại hội nghị chuyên đề Chuyển đổi số tại Tây Ninh vào ngày 24.7 vừa qua.

Đối với tỉnh Tây Ninh, thời gian qua BCĐ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động Chuyển đổi số trong chính quyền và một số ngành trọng điểm như: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục, Y tế, Giao thông, Nông nghiệp, Du lịch, nhất là cải cách hành chính.

Tỉnh đã triển khai chi tiết Đề án xây dựng chính Chính quyền số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2020; thực hiện hoàn thành bằng hoặc vượt các chỉ tiêu trong năm 2020 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP. Ngày 3.7, Tây Ninh chính thức khai trương Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh, vận hành với ba chức năng chính bao gồm giám sát, điều hành và tổng hợp.

Giai đoạn đầu, đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống camera an ninh và giao thông, hệ thống giám sát các lĩnh vực: an ninh thông tin, môi trường, mạng xã hội, giáo dục, y tế, dịch vụ hành chính công, hệ thống tra cứu thông tin đất đai, du lịch thông minh và hệ thống báo cáo kinh tế xã hội.

Trên cơ sở các báo cáo và tham luận của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Trước hết về thể chế chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử trong quý III.2020; Bộ TT&TT hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng về Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong quý III.2020.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu ấn nút khai trương Trung tâm Giám sát – Điều hành đô thị thông minh và Cổng thông tin du lịch tỉnh.

Đối với nhiệm vụ cung cấp DVC trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% DVC trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020; tích cực tích hợp DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia. Hàng tháng, Bộ TT&TT có thống kê kết quả cung cấp DVC mức độ 4 của từng bộ, ngành, địa phương; từ năm 2021 sẽ xếp hạng chỉ số cung cấp DVC trực tuyến của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh trong tháng 10.2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Về triển khai Chuyển đổi số, Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì phối hợp Bộ Nội vụ xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Nghị định Chính phủ kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách Công nghệ thông tin thành các đơn vị chuyên trách Chuyển đổi số cấp Bộ, ngành, địa phương.

Phương Thuý


Liên kết hữu ích