Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 7.5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tiếp tục thảo luận tại Tổ 9 cùng các Đoàn ĐBQH: Quảng Ninh, Hoà Bình và Bến Tre.
Tham gia thảo luận góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tây Ninh đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp 2013, liên quan đến quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…”, do việc thay đổi tính chất “thành viên” thành “trực thuộc” sẽ thay đổi cả về nhận thức về vai trò, sứ mệnh lịch sử của các tổ chức chính trị - xã hội, thay đổi về phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức hoạt động của tổ chức trong giai đoạn cách mạng mới. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung lý luận mới làm cơ sở cho việc định hình về vai trò, tổ chức hoạt động, mối quan hệ trong hệ thống chính trị, tính độc lập tương đối của các tổ chức này biểu hiện như thế nào...

Tại khoản 8, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 “2. Đại biểu Hội đồng Nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban Nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Uỷ ban Nhân dân…”, đại biểu Thuý đề nghị vẫn giữ cơ chế chất vấn của Hội đồng Nhân dân đối với Chánh án Toà án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh vì đây là cơ chế kiểm soát quyền lực được Hiến định. Đồng thời, đối với Toà án, Viện Kiểm sát khu vực cũng cần có cơ chế giám sát phù hợp.
Tham gia góp ý dối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), tại khoản 4 điều 5 dự thảo luật có quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng Nhân dân, nhưng không có tiêu chí pháp lý rõ ràng để xác định khi nào cần rút ngắn hoặc kéo dài, việc này sẽ dẫn đến tuỳ nghi áp dụng hoặc thiếu minh bạch. Đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định “Trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp hoặc yêu cầu điều chỉnh về tổ chức sắp xếp bộ máy đơn vị hành chính, việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng Nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội."
Tại khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu hiện tại, đại biểu Thuý cho rằng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hoá các nội dung đặc thù của mô hình chính quyền ở đặc khu vốn có yêu cầu rất khác biệt so với cấp xã, phường thông thường. Việc chỉ dẫn chiếu “tương ứng xã, phường” có thể gây hạn chế quyền tự chủ mà đặc khu cần có để phát triển kinh tế biển, hải đảo, ứng phó tình huống khẩn cấp hoặc các thí điểm có tính đột phá. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu bổ sung quy định nguyên tắc phân định rõ thẩm quyền của chính quyền đặc khu so với các mô hình tổ chức khác (xã, phường), làm rõ tính chất đặc thù và không tương ứng xã, phường như về ngân sách, tổ chức bộ máy, thu hút đầu tư và quyết định chính sách phát triển tại đặc khu…
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân, tại khoản 13 Điều 31 dự thảo Luật, đại biểu Thuý đề nghị bổ sung điểm d quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND “về việc quyết định cho bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu HĐND và khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Hội đồng Nhân dân”, vì tại khoản 9 Điều 33 của dự thảo Luật có quy định nội dung trên và giao cho Thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định khi Hội đồng Nhân dân không họp. Điều này cũng để bảo đảm kịp thời và không làm gián đoạn quá trình tố tụng.

Tham gia góp ý đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Huỳnh Thanh Phương– Phó Bí thư chuyên trách Đảng uỷ các cơ quan Đảng tỉnh cơ bản đồng tình với dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã có nhiều cải tiến phù hợp với thực tiễn, khắc phục những bất cập trước đây, thực hiện liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã (trước đây công chức cấp xã muốn thành công chức cấp tỉnh thì phải có 5 năm công tác và qua Hội đồng xét, đánh giá… rất nhiều thủ tục).
Bên cạnh đó, đại biểu Phương cũng đồng tình với việc bỏ thi nâng ngạch, đại biểu cho rằng việc bỏ quy định này là phù hợp với tình hình thực tế, việc giữ ngạch bậc là tương ứng với vị trí việc làm.
Liên quan đến công tác đánh giá cán bộ được quy định tại Điều 29, 30, 31, đại biểu Phương đề nghị cần có quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng cố tình đánh giá cán bộ không tốt, thiếu khách quan và tránh tình trạng lạm quyền, hiện dự thảo Luật chỉ mới quy định về trách nhiệm của người đứng đầu nhưng chưa có chế tài xử lý. Đồng thời, cần có quy định về nguyên tắc, quy trình, phương pháp đánh giá và việc sử dụng kết quả đánh giá cán bộ như thế nào cho cụ thể, rõ ràng?
Về thẩm quyền quản lý cán bộ được quy định tại Điều 47, 48, dự thảo Luật quy định rõ thẩm quyền tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng phương pháp thực hiện như thế nào chưa rõ, cụ thể hiện nay muốn cho 1 cán bộ, công chức nghỉ việc phải mất rất nhiều thủ tục, nhiều quy định, nhiều văn bản có liên quan, không phải chỉ có quy định của Luật này là giải quyết được… đại biểu Phương đề nghị nên có phân cấp cho người sử dụng cán bộ, công chức được quyền xử lý cán bộ theo đúng quy định.
Về hồ sơ và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức được quy định tại Điều 49, đại biểu Phương đề nghị nên có quy định cho chặt chẽ trong việc lưu giữ, quản lý, sử dụng hồ sơ cán bộ, tránh như hiện nay, mỗi lần thực hiện quy trình cán bộ đều phải yêu cầu cán bộ, công chức làm lại hồ sơ…
KC