Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 12.5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021–2026.


Tham gia góp ý dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh góp ý về việc có nên xem dữ liệu cá nhân là tài sản hay không, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ điều này; đồng thời đề nghị xem dữ liệu cá nhân là tài sản đặc biệt, bởi nó có biểu hiện của một phần là tài sản.
Đại biểu Thuý dẫn chứng: một là, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, như vậy, tài sản là vật có giá trị được trao đổi, chuyển giao quyền sở hữu…; hai là, thực tế dữ liệu hiện nay đang được giao dịch, trao đổi và có giá trị sử dụng, như vậy về hình thức có biểu hiện của một phần tài sản; ba là, trong nền kinh tế số hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành điện toán đám mây, internet vạn vật, dịch vụ… chính là dữ liệu cá nhân, là nguồn rất đáng quý; hơn nữa Hiến pháp khẳng định dữ liệu cá nhân gắn với quyền con người, quyền nhân thân, quyền riêng tư, bất khả xâm phạm và được bảo vệ… nên không phải dữ liệu nào cũng được thương mại; do đó là tài sản đặc biệt.
Liên quan đến giải thích từ ngữ, đại biểu Thuý đề nghị giải thích rõ cụm từ “dữ liệu cá nhân cơ bản” và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” tại khoản 1 Điều 2 là những dữ liệu nào.
Tại khoản 2, Điều 4 quy định về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Thuý đề nghị nêu rõ nguyên tắc xác định doanh thu (toàn cầu hay tại Việt Nam) và cơ chế để xác minh số liệu.
Đại biểu Thuý cho rằng, theo dự thảo mức xử phạt dựa theo phần trăm doanh thu nên cần xác định rõ cơ sở tính; dự thảo chỉ mới nêu Chính phủ quy định chi tiết, quy định cụ thể về mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính mà chưa đề cập đến nguyên tắc, cách thức xác định doanh thu.
Khoản 3, Điều 10 quy định sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện rõ ràng, tự nguyện và cụ thể, dự thảo chưa đề cập đến trường hợp dữ liệu cá nhân bị thu thập tự động thông qua các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là cookie và công nghệ theo dõi hành vi trên không gian mạng.
Để tránh thiệt hại cho người dùng, đại biểu Thuý đề nghị bổ sung một khoản quy định trong Điều 10 nội dung yêu cầu các bên kiểm soát dữ liệu cá nhân phải cung cấp cơ chế minh bạch, để người dùng có thể từ chối hoặc quản lý sự đồng ý một cách dễ dàng, tránh tình trạng người dùng không rành về công nghệ vô tình không thao tác gì nhưng phần mềm ứng dụng cho rằng người dùng đã đồng ý, cách ngầm hiểu là mặc định đồng ý.
Khoản 4, Điều 11 quy định về rút lại sự đồng ý, đại biểu Thuý đề nghị bổ sung thời hạn cụ thể mà bên kiểm soát dữ liệu phải ngừng xử lý dữ liệu sau khi rút lại đồng ý.

Về dữ liệu sinh trắc học được quy định tại Điều 35, đại biểu Thuý cho rằng, dữ liệu sinh trắc học là loại dữ liệu nhạy cảm, nhưng Điều 35 chưa quy định cụ thể về việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong không gian công cộng và trong việc xác minh danh tính khi mở tài khoản online.
Theo đại biểu, trong thực tế, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các ngân hàng trong toàn quốc đã triển khai công nghệ này, vì vậy, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 35 quy định yêu cầu các tổ chức sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong không gian công cộng phải công khai minh bạch mục đích, thời gian lưu trữ và cơ chế phản hồi khi có khiếu nại.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, đại biểu có một số ý kiến, cụ thể:
Tại khoản 13 Điều 1 (Sửa đổi, bổ sung Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự), khoản 1 Điều 331 quy định “Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Nhân dân cấp tỉnh; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao”, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ thẩm quyền kháng nghị của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đối với bản án, quyết định có hiệu lực.
Việc quy định “Toà án khác khi xét thấy cần thiết” còn chung chung, chưa cụ thể là Toà án Nhân dân nào; có bao gồm cả Toà án Nhân dân khu vực không? Theo đại biểu Thuý, “giả sử” quyền kháng nghị bao gồm cả bản án, quyết định có hiệu lực Toà án Nhân dân khu vực thì có thể chồng chéo với thẩm quyền của cấp tỉnh tại khoản 2 Điều này về thẩm quyền kháng nghị của Chánh án Toà án Nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh. Do đó, đại biểu Thuý đề nghị cần làm rõ cụm từ “Toà án khác khi xét thấy cần thiết” hoặc giới hạn chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt.
Điều 3, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Thuý cho rằng, việc điều chỉnh thẩm quyền của các cơ quan “cấp huyện” sang “cấp tỉnh” hoặc “khu vực” về cơ bản là phù hợp với chủ trương chung.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần lưu ý khi thay thế thẩm quyền từ cấp huyện lên cấp tỉnh có thể làm tăng khoảng cách và khó khăn cho người chưa thành niên và gia đình họ. Do đó, đại biểu đề nghị cần bảo đảm việc thay đổi thẩm quyền này không ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng, thi hành án, hoặc các thủ tục tố tụng đặc thù đối với người chưa thành niên, đặc biệt là về nguyên tắc gần gũi, kịp thời và phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Điều 4, sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phá sản, tại khoản 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 8), đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo xem xét thay cụm từ “trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà Phá sản trực thuộc Toà án Nhân dân khu vực đó” bằng cụm từ “trong phạm vi thẩm quyền quản lý theo lãnh thổ của Toà án Nhân dân khu vực đó”, vì không phải các Toà án khu vực đều có Toà Phá sản, chỉ những địa phương đặc thù như Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội sẽ được xem xét thành lập thêm Toà Phá sản hay Toà Sở hữu trí tuệ.
Do đó, theo đại biểu, việc quy định Toà Phá sản trong dự thảo luật sửa đổi là không phù hợp với mô hình tổ chức của các Toà án Nhân dân khu vực trong toàn quốc, cần quy định thuộc thẩm quyền quản lý theo lãnh thổ của Toà án Nhân dân khu vực là phù hợp, không nên quy định thẩm quyền của Toà chuyên trách.
Đồng thời, tại khoản 1, luật giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết phá sản cho Toà án Nhân dân khu vực, đại biểu Thuý đề nghị cần cân nhắc về năng lực đội ngũ của Toà án Nhân dân khu vực. Theo đó, có thể xem xét lộ trình tạm giữ lại thẩm quyền giải quyết phá sản có tính chất phức tạp, yếu tố nước ngoài cho Toà án Nhân dân tỉnh xử lý để có thời gian kiện toàn năng lực, trình độ đội ngũ Toà án Nhân dân khu vực.
Về Điều 6, Điều khoản thi hành, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung điều khoản chuyển tiếp hướng dẫn thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với các vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự mà Toà án Nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm đang bị kháng cáo, kháng nghị lên Toà án cấp trên giải quyết nhưng chưa kịp mở phiên toà xét xử phúc thẩm.
Các vụ việc đang được Toà án Nhân dân cấp huyện, Toà án Nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết sơ thẩm tại ngày 1.7.2025; thẩm quyền phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án Nhân dân cấp huyện, Toà án Nhân dân cấp tỉnh đã tuyên trước 1.7.2025 nhưng chưa có hiệu lực; việc xử lý các vụ việc đang được Toà án Nhân dân cấp cao thụ lý phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm khi Toà án Nhân dân cấp cao bị giải thể; thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án Nhân dân các cấp theo luật hiện hành.
KC (lược ghi)