Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý: Xem xét tăng ưu đãi nghề cho giáo viên
Thứ tư: 20:44 ngày 20/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 20.11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. 

Trong đó có Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 14.11.2023 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 20.11

Việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo cũng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển nhà giáo. Hiện nay đã có ít nhất 6 luật trực tiếp quy định các chế tài quản lý nhà giáo, gồm Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Giáo dục đại học nhưng các nội dung quản lý nhà giáo vẫn chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.

Bằng việc ban hành Luật Nhà giáo, một số bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay sẽ được tháo gỡ. Chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản sẽ có sự đồng bộ trong toàn hệ thống khi có hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo được quy định thống nhất. Bên cạnh đó, một số chính sách đặc thù, có tính chất đột phá sẽ được tính toán nhằm tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển.

Quan tâm góp ý dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình cao với quy định tăng ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non trong dự thảo luật, tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét thêm một số phương án như: ban hành chương trình giáo dục mầm non cần cân đối thời gian hoạt động/ngày tại trường của trẻ phù hợp với thời gian làm việc được quy định của giáo viên mầm non. 

Những nội dung ngoài giờ làm việc theo quy định cần có quy định rõ để các địa phương, phụ huynh có cơ chế trả thêm giờ làm cho giáo viên mầm non; bên cạnh đó, có thể tăng định mức giáo viên/lớp: đối với mẫu giáo 2,5 giáo viên/lớp; nhà trẻ: 3 giáo viên/lớp. Từ đó, các cơ sở giáo dục phân công dây chuyền hoạt động tại lớp đảm bảo 6 giờ dạy và 2 giờ chuẩn bị bài dạy, trang trí môi trường lớp học, tự bồi dưỡng chuyên môn...

Trưởng Đoàn ĐBQH Phạm Hùng Thái và Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý tham dự phiên họp.

Đại biểu Thuý cũng đề nghị nghiên cứu tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non từ 35% lên 50%. Khi tuyển dụng, hợp đồng giáo viên mầm non cần được tính hệ số lương theo bằng cấp tốt nghiệp để công bằng với giáo viên các cấp học khác; bên cạnh đó, hằng năm, tổ chức xét thăng hạng cho giáo viên mầm non, bảo đảm mức lương phù hợp với vị trí việc làm cũng như tính chất nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên.

Góp ý về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. 

Đây là chủ trương của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết 29-NQ/TW, tuy nhiên, đại biểu đề nghị để thực hiện việc cải cách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo cần tiến hành từng bước. Trong đó, cần lưu ý, việc tăng lương nhà giáo là nguyện vọng chính đáng của lực lượng trong ngành Giáo dục, tuy nhiên điều này cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng vì có thể gây ra bất bình đẳng với các ngành nghề khác. 

Đại biểu Thuý nhấn mạnh, mỗi ngành nghề có vai trò, vị trí khác nhau và đôi khi sự so sánh là khập khiễng. Đại biểu Thuý nhấn mạnh thêm, nếu đứng ở góc độ này mà xem xét yếu tố lương thì sẽ rất khó cho việc xây dựng hệ thống lương thống nhất, đồng bộ; đồng thời, chưa có nghiên cứu chính thức nào về việc tăng lương sẽ dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. 

Thay vào đó, đại biểu đề nghị vẫn xếp hệ thống thang bảng lương như các ngành nghề khác, tuy nhiên, để giải quyết câu chuyện chăm lo cho nhà giáo và thu hút, giữ chân nhà giáo thì đề nghị sẽ tăng ưu đãi nghề (thay cho thuật ngữ phụ cấp nghề đang dùng hiện nay). 

Vì theo đại biểu, tuỳ theo tính chất, vai trò của ngành nghề mà nhà nước quyết định ưu đãi như thế nào cho phù hợp, vừa khuyến khích, động viên cho lực lượng này nhưng vẫn giữ cho hệ thống lương viên chức được thống nhất, đồng bộ, nhất quán, tránh những phản ứng không cần thiết. 

Bên cạnh đó, ngoài lương, cần tăng cường các chế độ phúc lợi khác như nhà ở, khám chữa bệnh, hỗ trợ học tập... Như vậy, sẽ đồng bộ các giải pháp và tăng quyền lợi của giáo viên phù hợp với nguyện vọng chính đáng của họ, vai trò của nghề giáo, cũng như tương quan với ngành nghề khác và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

Đại biểu Thuý cũng nêu ý kiến, thời gian qua việc, quy định đối với giáo viên dạy đúng chuyên ngành đào tạo vẫn chưa được thực hiện đảm bảo, khiến giáo viên tâm tư và gặp nhiều khó khăn, như giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học thì dạy thêm môn âm nhạc, mỹ thuật; giáo viên cấp THCS được đào tạo môn sinh học thì dạy luôn lý, hoá (các môn tích hợp)...

Tố Tuấn (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục