Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương: Cần quy định rõ thời hạn và các hình thức rút lại thông tin điện tử
Thứ năm: 08:04 ngày 03/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 2.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

ĐBQH Trần Hữu Hậu phát biểu góp ý đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Góp ý đối với dự án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH Tây Ninh) đề nghị xem xét bổ sung vào Điều 16 dự thảo Luật về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Tại khoản 3 Điều 33 về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật, dự thảo quy định "Trường hợp phát hiện sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật nhóm B, tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các cơ quan quản lý nhà nước....". Đại biểu Hậu cho rằng nội dung tại khoản này không quy định đối tượng là "người tiêu dùng" được phát hiện sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật nhóm B. Như vậy, trong trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật nhóm B cũng không được yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các trách nhiệm được quy định tại khoản này.

Quy định này còn bất cập vì người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp sử dụng sản phẩm nhưng lại không có quyền phản ánh và yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp mà phải chờ tổ chức, cá nhân kinh doanh tự mình hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành lĩnh vực liên quan lên tiếng bảo vệ. Đại biểu Hậu khẳng định quy định này làm hạn chế đi quyền lợi của người tiêu dùng khi tiêu thụ sản phẩm bị khuyết tật, do đó, đề nghị xem xét bổ sung.

Khoản 3 Điều 60 quy định về kết quả thương lượng, đại biểu Hậu đề nghị bổ sung từ “điểm chỉ” sau từ “chữ ký”. Cụ thể "3. Trường hợp kết quả thương lượng được lập thành biên bản thì biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của đại diện các bên thương lượng". Trường hợp 1 trong các bên thương lượng bị khuyết tật hoặc vì lý do nào khác không thể ký tên vào biên bản thương lượng thì kết quả thương lượng sẽ không có giá trị pháp lý. Do đó, theo đại biểu việc bổ sung thêm quy định về "điểm chỉ" đối với biên bản thương lượng là cần thiết.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Góp ý đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH Tây Ninh) đề nghị xem xét lại quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ tại Điều 13, bởi hiện nay chúng ta chưa có nền tảng công nghệ thông tin vững chắc để tạo ra một nền tảng độc lập để người Việt Nam sử dụng, hệ thống dữ liệu bị quản lý điều hành bởi tổ chức nước ngoài (e-mail), hệ điều hành quản lý (iPhone, Samsung, Apple) đều bị chi phối bởi công ty sản xuất không phải của Việt Nam, việc quy định giá trị chứng cứ của thông điệp điện tử là khó thực hiện do chúng ta không thể can thiệp vào quá trình vận hành, quản lý của các tổ chức nước ngoài. Đại biểu Phương đề nghị chỉ nên quy định thông điệp điện tử dữ liệu là nguồn chứng cứ.

Tại Điều 35, dự thảo cho phép được quyền rút lại thông tin điện tử nhưng chưa quy định rõ thời hạn cũng như chưa quy định các hình thức cụ thể, đại biểu Phương đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Điều 39 quy định giá trị pháp lý của thông báo giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như thông báo bằng phương pháp khác theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, lại không có quy định loại trừ việc xác nhận, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử bằng việc nhận thông báo dưới dạng điện tử trong trường hợp bất khả kháng mà bên nhận thông báo không thể phản hồi lại, vậy trong trường hợp này thông báo giao kết và thực hiện hợp đồng có giá trị pháp lý không? Đại biểu Phương cho rằng quy định này còn rất chung chung, không rõ trong tình huống cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung.

Thanh Trung

(lược ghi)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục