Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương: Làm thế nào để không hạn chế quyền của người không có nhu cầu đấu giá biển số xe
Thứ năm: 09:41 ngày 27/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 26.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với 2 dự thảo nghị quyết, đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thống nhất việc cấp biển số qua đấu giá tạo sự công bằng trong tiếp cận và lựa chọn biển số mà cá nhân, tổ chức, đơn vị yêu thích hoặc cần, tránh tình trạng tiêu cực trong quá trình cấp biển số; hơn nữa, theo đại biểu, việc cấp biển số qua đấu giá tạo sự thống nhất trong quản lý tài sản công.

Về phạm vi thí điểm, đại biểu Phương cho rằng thí điểm trên toàn quốc là hợp lý, vì với chỉ có một hình thức đấu giá là trực tuyến quy định trong dự thảo nghị quyết nên không hạn chế phạm vi và không hạn chế nhu cầu được đăng ký tham gia đấu giá của người dân tại tất cả các địa phương trên cả nước; nếu thí điểm phạm vi nhỏ ở tỉnh, thành phố sẽ hạn chế về quyền công dân.

Theo dự thảo, Bộ Công an dự kiến đưa tất cả biển số xe ô tô của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chưa đăng ký đưa ra đấu giá trước 45 ngày, đại biểu Phương băn khoăn là làm thế nào để không hạn chế quyền của người không có nhu cầu đấu giá biển số xe (người mua xe đến bốc biển số như trước đây), đại biểu đề nghị tính toán cẩn thận, tránh xáo trộn.

Về thời gian thí điểm, đại biểu Phương đề nghị 3 năm là phù hợp.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Ngày 27.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường (chương trình được truyền hình và phát thanh trực tiếp) về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Thanh Trung

Tin cùng chuyên mục