Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 8.5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (TAND); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).


Tham gia góp ý đối với dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, đại biểu Huỳnh Thanh Phương có ý kiến băn khoăn về cơ chế giám sát đối với hoạt động của VKSND.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, VKSND cấp huyện chịu sự lãnh đạo, giám sát của cấp uỷ Đảng huyện và HĐND cấp huyện; nhưng theo quy định mới, không còn Viện Kiểm sát cấp huyện, thành lập Viện Kiểm sát khu vực, phạm vi, quyền hạn mở rộng gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng cơ chế giám sát giảm đi chỉ còn lại việc giám sát, chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp tỉnh.
Do vậy, đại biểu Phương băn khoăn 2 vấn đề: một là, cơ chế báo cáo cấp uỷ, việc bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo sẽ được thực hiện như thế nào? Hai là, quyền trách nhiệm của Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp tỉnh đối với việc lãnh đạo, giám sát Viện Kiểm sát khu vực được thực hiện như thế nào?
Đồng thời, hiện nay cơ quan Điều tra có 2 cấp là cấp tỉnh và cấp Trung ương nhưng Viện Kiểm sát lại có 3 cấp: khu vực, tỉnh và Trung ương. Theo quy định, cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh và khu vực; Viện Kiểm sát khu vực và Viện Kiểm sát tỉnh đều có thẩm quyền thi hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với cơ quan điều tra cấp tỉnh.
Đại biểu Phương cho rằng, như vậy sẽ có khả năng xảy ra tranh chấp, chồng chéo về thẩm quyền, đại biểu đề nghị cần làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, VKSND khu vực với cơ quan điều tra cấp tỉnh trong thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tốt các vụ án hình sự.
Về bổ sung số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao (khoản 27, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 93), đại biểu Phương thống nhất với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp, cho rằng quy định như dự thảo chưa rõ căn cứ, dự thảo quy định không quá 27 người, tương ứng với số lượng thẩm phán TAND tối cao, đại biểu Phương đề nghị phân tích rõ cơ sở thực tiễn và lý luận.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia tại khoản 2, Điều 1, về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 40, đại biểu Phương băn khoăn về tiêu chí lựa chọn trong việc chỉ định tham gia vào Hội đồng, vì chức năng nhiệm vụ của Hội đồng rất lớn trong khi dự thảo luật mở rộng quy định bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao.
Theo quy định hiện hành, trong trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao phải có đủ từ 5 năm trở lên làm Thẩm phán TAND, dự thảo sửa đổi mở rộng điều kiện bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt có từ đủ 5 năm trở lên làm Thẩm phán TAND hoặc đang là Thẩm phán có từ đủ 5 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao.
Như vậy, dự thảo bỏ quy định thời hạn có đủ 5 năm trở lên làm Thẩm phán TAND mà chỉ cần đang là Thẩm phán TAND và có từ đủ 5 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại TAND tối cao.
Đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định tại khoản 21 sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 96 về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao, bởi lẽ: Thẩm phán TAND tối cao là ngạch Thẩm phán cao nhất trong hệ thống Toà án, có nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí quan trọng nên tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cũng cao hơn so với Thẩm phán TAND; đồng thời, phải đáp ứng cả về tiêu chuẩn lẫn kiến thức thực tiễn, kỹ năng trong hoạt động Thẩm phán TAND và cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn Thẩm phán TAND tối cao tốt hơn.
Về thẩm quyền của Chánh án TAND khu vực được quy định tại khoản 12, Điều 1, đại biểu Phương nhận thấy thẩm quyền của Chánh án TAND khu vực được mở rộng rất nhiều so với TAND cấp huyện cũ, các án hình sự, dân sự, hành chính… chủ yếu do Toà án khu vực thụ lý, xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng cơ chế giám sát, báo cáo lại bị thu hẹp so với luật hiện hành, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về cơ chế giám sát, báo cáo nhằm tăng cường hoạt động kiểm soát quyền lực theo hiến định.
KC (lược ghi)