Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 13.10, tại hội trường Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương tiếp xúc cử tri chuyên đề phòng chống, xâm hại trẻ em. Tham dự có bà Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu kết luận hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tại trụ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 31.8.2021, toàn tỉnh có 241.688 trẻ em, trong đó số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt 2.843 em; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học 93.435 trẻ (đạt 95,46%), tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi ở bậc THCS 67.188 trẻ (đạt 95,1%). Trong 6 tháng năm 2021, có 193 trẻ bị tai nạn thương tích, 14 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Từ tháng 7.2020 - 6.2021, có 42 trẻ bị xâm hại, cơ quan chuyên môn phối hợp thụ lý điều tra 28 vụ án với 32 đối tượng gây án xâm hại trẻ em.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và hướng về cơ sở.
Sở Tư pháp cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh; phối hợp với Báo Tây Ninh thực hiện chương trình Tư vấn pháp luật tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tổ chức 1 cuộc thi viết tìm hiểu Luật Trẻ em, thu hút hơn 8.200 bài dự thi…
Công tác bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em có sự chuyển biến tích cực. Ngành Công an phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em như “Trường học tự phòng, tự quản về ANTT”, “Quản lý giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư”, “CLB thắp sáng niềm tin”…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở bảo trợ xã hôi ngoài công lập và một Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập chăm sóc, nuôi dưỡng 150 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, hiện có 202 em không có nguồn nuôi dưỡng, 1.482 em khuyết tật nặng, 499 em khuyết tật đặc biệt nặng. Các em này đều được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước đầy đủ, kịp thời.
Đại biểu đóng góp ý kiến đối với nội dung liên quan đến phòng chống, xâm hại trẻ em.
Hoạt động lấy ý kiến trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều kênh khác nhau. Hội đồng Đội các cấp thành lập và duy trì hoạt động 252 câu lạc bộ quyền trẻ em, 233 câu lạc bộ kỹ năng, 378 câu lạc bộ học tập, 563 câu lạc bộ theo sở thích; qua đó tiếp nhận 1.407 ý kiến của thiếu nhi địa phương…
Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận về giải quyết các kiến nghị, phản ánh của trẻ em; công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; kỹ năng phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh; quan tâm chăm sóc trẻ bị mồ côi do dịch Covid-19…
Kết luận hội nghị, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong quá trình tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Những thông tin đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp, có văn bản kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, địa phương.
Thiên Di