BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân: Người dân bức xúc không chỉ vì thiếu điện, mà còn vì không công bằng và không minh bạch

Cập nhật ngày: 23/11/2010 - 11:30

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đặt vấn đề: “Trong báo cáo của Bộ trưởng cho thấy hiện nay chúng ta còn thiếu và sẽ thiếu điện trong nhiều năm tới. Tuy nhiên người dân bức xúc không chỉ vì thiếu điện, mà còn vì không công bằng và không minh bạch, những đô thị thì sáng đèn suốt đêm, đèn quảng cáo, đèn đường sáng rực rỡ còn về đến nhà mình thì tối đen như mực. Bộ trưởng nói là sẽ ra một thông tư để điều chỉnh vấn đề tiết giảm điện, nhưng tôi cho có lẽ như vậy vẫn chưa đủ tầm, tôi nghĩ cần phải có một nghị quyết của Quốc hội về phân bổ điện trong trường hợp thiếu điện, điều tiết xuống địa phương và các ngành như thế nào, ai được ưu tiên, ai không.

Thứ hai, về tác hại của thuỷ điện, Bộ trưởng có nói là không phủ nhận nhưng cũng không khẳng định được tác hại của nó như thế nào. Cách đây một năm tôi đã đề nghị cần phải điều tra đánh giá độc lập, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có. Vậy lấy cơ sở nào để chúng ta yêu cầu phải hỗ trợ hay bồi thường cho người dân là bao nhiêu? Chúng ta còn đến 100 nhà máy thuỷ điện nhỏ chuẩn bị xây, nếu theo Bộ trưởng nói là trừ đi 90 cái đã xây, 38 cái đã bị đình chỉ trong tổng số 230 cái. Vậy cơ sở nào để ta xây tiếp nếu chúng ta không xác định được hại và lợi đến đâu? Kiến nghị của người dân là chúng ta phải tiếp tục làm rõ vấn đề này. Nếu chúng ta chưa làm rõ được thì chúng ta sẽ tạm ngưng toàn bộ, không xây một nhà máy mới nào ở miền Trung và Tây Nguyên cho đến khi xác định được lợi, hại như thế nào”.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời

Trả lời ý kiến ĐBQH Nguyễn Đình Xuân, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình: “Đúng là có hiện tượng như đại biểu nêu trong điều kiện chúng ta còn khó khăn về điện, đặc biệt trong mùa khô vừa qua… Điều mà người dân băn khoăn và bức xúc chính là câu chuyện đại biểu đã nêu, việc tiết giảm điện, việc cắt điện cũng có thời điểm, có nơi, có lúc chưa thực sự công bằng, thậm chí chưa rõ ràng, chưa minh bạch. Vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã kiểm tra, chỉ đạo và yêu cầu những đơn vị cung ứng điện để xảy ra tình trạng này, phải kịp thời chấn chỉnh và phải có lời xin lỗi đối với người dân ở khu vực đó. Tuy nhiên không chỉ dừng ở xin lỗi mà trên thực tế chúng ta phải khắc phục tình trạng này để trong thời gian tới, trong bối cảnh tình hình của chúng ta nếu còn có khó khăn về việc cung ứng điện mà buộc phải tiết giảm thì thực hiện công bằng, minh bạch hơn. Đây chính là điều chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu cũng như sự quan tâm của cử tri cả nước. Trong thời gian vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc xây dựng phương án cung cấp điện năm 2011 cũng như các năm sau, đặc biệt trong giai đoạn có thể khó khăn, tức là mùa khô thì phải chủ động các phương án ứng phó và đặc biệt là chấm dứt không để tiếp tục tái diễn tình trạng cắt điện triền miên ở một khu vực hoặc kéo dài ở một địa bàn gây nên sự mất công bằng trong xã hội.

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chỉ đạo phương án này và sẽ báo cáo với Bộ để chúng tôi báo cáo với Chính phủ, như chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội phương án trong trường hợp phải điều tiết, tiết giảm điện. Về trình tự, thứ tự ưu tiên cung cấp điện trong trường hợp buộc phải tiết giảm thì đã có quyết định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương trong trường hợp buộc phải tiết giảm, theo đó việc lựa chọn thứ tự ưu tiên cung cấp điện thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi vì chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố mới nắm rõ và quyết định được hộ tiêu thụ nào, ngành nào, đơn vị nào cần được ưu tiên, ngành nào sẽ xem xét sau. Tuy nhiên, dù có sự xê dịch giữa địa phương này với địa phương khác thì những hộ quan trọng nhất, trong đó có bệnh viện, trường học, các cơ sở đầu não của địa phương, các cơ sở về an ninh, quốc phòng, các cơ sở sản xuất thiết yếu cũng phải được ưu tiên. Về vấn đề đánh giá mặt được cũng như mặt chưa được của thuỷ điện, ý kiến của đại biểu đã nêu cần có đánh giá khách quan, độc lập để xác định rõ trách nhiệm cũng như mức độ thiệt hại nếu có do các công trình thuỷ điện gây ra. Ghi nhận ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới trong quá trình tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy hoạch về thuỷ điện trong đó có thuỷ điện nhỏ, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc mời các cơ quan tham gia có tính chất phản biện để đảm bảo tính khách quan, nếu thấy phù hợp thì xin tiếp thu để báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét và có sự điều chỉnh cần thiết”.

MINH QUANG

(Lược ghi)