BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Cần có cơ quan đầu mối để giải quyết tố cáo

Cập nhật ngày: 18/11/2010 - 11:22

ĐB Nguyễn Đình Xuân phát biểu về Luật Tố cáo.

Sáng 18.11, phát biểu tại nghị trường kỳ họp Quốc hội về dự án Luật Tố cáo, đại biểu Nguyễn Đình Xuân, Đoàn ĐBQH Tây Ninh nhận định, về phạm vi điều chỉnh trình bày trong dự án luật này, thì công dân có quyền tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực; nhưng việc giải quyết tố cáo dường như chỉ tập trung vào lĩnh vực tố cáo trong quản lý hành chính Nhà nước. Và đại biểu đặt vấn đề: “Nếu không chỉ cụ thể những tố cáo khác thì giải quyết như thế nào? Cần quy định lại cho thống nhất”.

Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân, cần có quy định cụ thể về một hoặc vài cơ quan làm đầu mối để giải quyết tố cáo như trong lĩnh vực hành chính, lĩnh vực tư pháp và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như bạo hành gia đình, ô nhiễm môi trường… Trong trường hợp người dân gửi không đúng đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì đơn vị, tổ chức nhận được có trách nhiệm chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền, nếu tố cáo qua điện thoại thì hướng dẫn người dân tố cáo  đến các cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường hợp người tố cáo rút đơn, đại biểu đề nghị nếu nội dung tố cáo có đủ cơ sở để xem xét thì vẫn phải tiếp tục xem xét để tìm ra sự thật, vì theo ông Xuân, không loại trừ trường hợp người tố cáo bị đe doạ, bị trả thù, bị khủng bố, mua chuộc nên phải rút đơn. Đối với việc tố cáo nặc danh, theo đại biểu thì cần phải đặc biệt quan tâm và trân trọng đối với những tố cáo nặc danh trong công tác quản lý, vì thực tế cho thấy việc tố cáo qua điện thoại, qua email, qua thư góp ý, qua đường dây nóng… cũng gần như nặc danh, rất khó xác định đúng danh tính của người gửi. Bởi lẽ cơ quan thanh tra, kiểm tra của ta hiện nay năng lực còn hạn chế, bên cạnh đó còn có những mối quan hệ liên quan đến nội dung tố cáo, nên phải xem xét tất cả những nguồn thông tin mà nhân dân cung cấp và tuỳ theo chất lượng thông tin mà ghi nhận hay tiến hành xác minh sự việc.

Đại biểu Xuân nhận định, đa số việc tố cáo nặc danh gây ra hậu quả xấu là do người xử lý tố cáo đã biết việc tố cáo có động cơ xấu, sự việc không có nhưng lại lợi dụng tố cáo nặc danh để trừng phạt, đấu đá lẫn nhau, đặc biệt là trước mỗi kỳ đại hội hay bầu cử. Đại biểu đề nghị cần có quy định nghiêm cấm lợi dụng việc tố cáo, giải quyết khiếu nại tố cáo để gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác nhằm hạn chế được những bất cập trong tố cáo nặc danh, đồng thời phát huy được mặt tốt của các tố cáo nặc danh. Đồng thời xử lý nghiêm những người vu khống, phát tán tin thất thiệt gây mất uy tín người khác. Về việc tập thể, tổ chức tố cáo, đại biểu Xuân cho rằng các kiểu tố cáo đều là nguồn thông tin quan trọng mà người lãnh đạo, người quản lý phải tiếp nhận hết sức thận trọng và không loại trừ bất kỳ điều gì. Nếu một tập thể tố cáo thì từng người ký tên phải có trách nhiệm với toàn bộ nội dung hoặc phải uỷ quyền cho một người đứng ra ký đơn và đối thoại với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề đặt ra.

Về bảo vệ người tố cáo, kể cả thư nặc danh, đại biểu Xuân đề nghị phải giữ bí mật, phải bảo vệ người đó và người thân của họ nếu cần thiết, vì nếu một đơn nặc danh được công bố lập tức người ta biết ngay ai viết đơn, bởi lẽ thông thường người biết được sự việc bị tố cáo ấy không nhiều. Đại biểu Xuân đề nghị, Nhà nước cần có chính sách bồi thường cho những người tố cáo nếu không bảo vệ được người đi tố cáo mà bản thân họ bị trả thù, bị thiệt hại.

Về vấn đề khen thưởng trong dự án luật, đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng khen thưởng là thoả đáng và có thể khen thưởng cao hơn giá trị hiện vật của hành vi tố cáo đó đem lại vì từ thông tin tố cáo phát hiện ra vi phạm, xử lý được người vi phạm, sửa đổi quy chế, ngăn ngừa những vi phạm tiếp theo.

QUANG – NHÀN

(Lược ghi)