BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương: Cần xác định rõ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước liên quốc gia

Cập nhật ngày: 06/11/2011 - 10:44

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (phải) trao đổi với cử tri xã Thạnh Tân, Thị xã

Ngày 3.11.2011, làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) nhận định, qua 12 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước  đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập và phát sinh nhiều vấn đề mới như: chưa quy định đầy đủ, toàn diện về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông; điều hoà, phân bổ nguồn nước một cách hợp lý, cân bằng lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường; sử dụng nước tiết kiệm; duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông và mực nước giới hạn khai thác các tầng chứa nước dưới đất.

Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoài Phương nhận thấy đã được chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung của dự thảo đã bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể hơn nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn. Cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung cụ thể như sau:

Về trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia (Điều 67), theo đại biểu Nguyễn Hoài Phương nội dung quy định này chưa phù hợp, đề nghị xác định rõ cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về vấn đề này. Về giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước (Điều 81), dự thảo luật cũng chưa quy định rõ về việc giải quyết khiếu nại và tranh chấp về tài nguyên nước; đại biểu đề nghị cần phân loại các dạng tranh chấp về tài nguyên nước để quy định thẩm quyền giải quyết cho phù hợp. Đề nghị làm rõ Điều 30, Khoản 1 về bảo vệ nguồn nước dưới đất, vì quy định như dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho công tác khoan khảo sát địa chất, công tác xử lý nền móng và thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước. Làm rõ thêm Điều 47 về hồ chứa nước, vì  trong luật chưa nêu đến việc điều hoà hồ chứa nước và chưa quy định rõ trường hợp nào thì không xin phép, trường hợp nào sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất ở quy mô nhỏ vì việc sử dụng nước sản xuất, sinh hoạt sẽ ảnh hưởng lớn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, đại biểu đề nghị nên có một điều khoản riêng để quy định về thu phí khai thác tài nguyên nước.

Duy Quang