BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tại nghị trường kỳ họp Quốc hội:

ĐBQH Nguyễn Hoài Phương góp ý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)

Cập nhật ngày: 25/05/2015 - 05:55

Đại biểu Nguyễn Hoài Phương góp ý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Về Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Phương cho rằng Khoản 8 giải thích chưa triệt để về việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong dự thảo luật giải thích trốn tránh là hành vi không chấp hành, vì thế không thể có trường hợp có lý do chính đáng. Nếu vẫn giữ như dự thảo thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải giải thích khái niệm “lý do chính đáng”, bởi đây là khái niệm rất rộng nên rất khó cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định thế nào là lý do chính đáng của công dân khi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Về Điều 4, dự thảo quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong khi đó, Khoản 2, Điều 45 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Vì vậy việc quy định nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là chưa đủ, chưa thống nhất cao với nội dung trong Hiến pháp quy định.

Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa Khoản 1, Điều 4 của dự thảo luật như sau: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phải phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm: phục vụ tại ngũ, phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời đưa phần giải thích này lên Điều 3.

Đại biểu Phương cho rằng Khoản 4, Điều 42 quy định: “Công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ được công khai tại trụ sở UBND cấp xã” là chưa thống nhất với Điều 15 của dự thảo luật, chưa bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về dân chủ, công khai, minh bạch. Theo đại biểu thì cần sửa đổi Điều 42 theo hướng bổ sung như sau: “Công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được công khai tại trụ sở UBND cấp xã, trụ sở cơ quan, tổ chức nơi công dân công tác”.

Đối với Điều 51, đại biểu Nguyễn Hoài Phương thống nhất về chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và xuất ngũ. Tuy nhiên, đại biểu thấy Điều 51 chưa đề cập đến quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được tham gia tuyển sinh quân sự ưu tiên, trong khi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ thì đề cập rất rõ (Khoản 2, Điều 51).

Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ cũng là một kênh tuyển chọn nguồn nhân lực có chất lượng cao, vì vậy đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, bổ sung quy định về quyền lợi hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tại ngũ ở Khoản 1, Điều 50 là “được tham gia và hưởng chế độ ưu tiên, ưu đãi về tuyển sinh quân sự theo quy định của pháp luật”.

Hải Nhàn