BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐBQH Tây Ninh dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV bằng hình thức trực tuyến 

Cập nhật ngày: 21/05/2020 - 10:15

BTNO - Ngày 20.5, Quốc hội khoá XIV đã khai mạc đợt 1 của kỳ họp thứ 9, từ ngày 20.5 đến ngày 29.5. Đây là lần đầu tiên Quốc hội được tổ chức dưới hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội (Hà Nội) đến 63 tỉnh, thành phố.

Tại điểm cầu Tây Ninh, các đại biểu Quốc hội của tỉnh gồm các ông Huỳnh Thanh Phương, Trịnh Ngọc Phương và Hoàng Đình Chung tham dự phiên họp.  

ĐBQH tỉnh Tây Ninh dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV bằng hình thức trực tuyến.

Khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Kim Ngân- Chủ tịch Quốc hội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phiên họp được tổ chức kết hợp giữa hai hình thức trực tuyến và tập trung. Việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện và yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Trong kỳ họp này, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp, các đại biểu sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên chính phủ, các vị trưởng đầu ngành về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 và diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Trước tình hình đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Kỳ họp lần này Quốc hội sẽ tập trung vào một số nội dung chính: xem xét thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; xem xét thông qua 10 dự thảo luật, nhiều dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 6 dự thảo luật khác.

Quốc hội cũng sẽ xem xét phê chuẩn 3 điều ước quốc tế: Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định bảo hộ đầu tư CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA); gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xoá bỏ lao động cưỡng bức.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.

Sau đó, vào đợt 2, Quốc hội sẽ tổ chức họp với hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8.6 đến ngày 18.6.2020.

N.D