BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐBQH Tây Ninh: Kinh tế - xã hội đang có nhiều vấn đề bức xúc (*)

Cập nhật ngày: 27/03/2011 - 06:01

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại hội trường ngày 25.3

Ngày 26.3.2011, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2011, đại biểu Nguyễn Thành Tâm phát biểu về một số vấn đề đang nổi lên mà ông cho rằng cần có sự quan tâm trong chỉ đạo điều hành trong thời gian sắp tới, đó là:

Về tình hình kinh tế, những bất cập trong kinh tế vĩ mô, ngoài nguyên nhân tác động của biến động thị trường thế giới cũng như những yếu kém nội tại của nền kinh tế còn có nguyên nhân rất cơ bản đã lặp lại nhiều lần đó là nguyên nhân chủ quan trong việc điều hành của Chính phủ trong đó nổi lên việc điều hành về chính sách tài chính, tiền tệ. Đại biểu Tâm nhận định: “Chúng ta thực hiện chính sách nới lỏng nhằm vào mục đích đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hơn là mục tiêu phát triển ổn định và bền vững”.

Việc nắm bắt, điều hành thị trường, điều tiết thị trường của Chính phủ cũng còn những hạn chế; đại biểu Tâm nói: “Phải thừa nhận rằng hiện nay chúng ta đang xây dựng cơ chế thị trường và thị trường của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Chính phủ đã không có biện pháp quản lý, điều tiết một cách hiệu quả, mà hậu quả là tình trạng đầu cơ, tình trạng độc quyền, làm giá diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn thị trường thuốc tân dược, thị trường sữa, vàng, ngoại tệ, xăng dầu hầu như ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Dù rằng Chính phủ vẫn thường xuyên công bố các biện pháp xử lý, nhưng mỗi lần Chính phủ tuyên bố mạnh thì sau đó giá các mặt hàng này lại tiếp tục tăng. Bức xúc nhất trên thị trường trong thời gian qua đó là người nông dân sản xuất ra nông sản luôn bị bất lợi do phải gắn trên mình một hệ thống cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và hệ thống tiêu thụ sản phẩm nhiều tầng lớp trung gian, khiến cho lợi ích thu được luôn thấp hơn lợi ích mà các tầng lớp trung gian này được hưởng”.

Về các giải pháp Chính phủ đang triển khai thực hiện Nghị quyết 11 để điều hành kinh tế năm 2011, đại biểu Tâm đề nghị: “Phải chuyển mục tiêu điều hành là đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên trước mục tiêu tăng trưởng để có thể đạt được sự ổn định và phát triển bền vững trong năm 2011 và những năm tiếp theo. Tôi đề nghị mục tiêu về phát triển chứ không phải mục tiêu tăng trưởng phải nhất quán trong quan điểm và hành động, tránh bệnh thành tích chạy theo mục tiêu tăng trưởng trước mắt, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế như trong thời gian vừa qua”; để thực hiện mục tiêu trên đại biểu đề nghị “Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu công và đảm bảo công khai minh bạch trong việc rà soát, cắt giảm kinh phí của các bộ, ngành địa phương. Không để tình trạng chạy tiêu chí, chạy các chỉ tiêu cắt giảm để né tránh bị cắt giảm đầu tư từ ngân sách và làm méo mó các chính sách đang được triển khai. Nhất là phải thực hiện gương mẫu từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó các chính sách an sinh xã hội đề nghị triển khai nhanh và kiểm tra chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện, nhất là các chính sách về hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm cho nông dân, thanh niên và sinh viên ra trường, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Chính sách về tín dụng, dạy nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ v.v... không để tình trạng chính sách chờ cơ chế, bộ máy thực thi kéo dài dẫn đến chậm triển khai hoặc đến không đúng đối tượng được thụ hưởng, làm giảm hiệu quả của chính sách và gây bức xúc trong dư luận”.

Về thực hiện Nghị định 92 của Chính phủ đối với biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ công chức cấp xã và những người làm không chuyên trách ở cấp xã trong thời gian vừa qua đã gây tâm tư không tốt đối với lực lượng này và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.

Về tình hình lễ hội, đại biểu Tâm cho rằng những vấn đề tiêu cực, những mặt trái của nó đang diễn ra rất bức xúc, các lễ hội lớn, nhỏ đã bị lợi dụng biến tướng thành các hội kinh doanh trục lợi của những người tham gia, kể cả những người tổ chức và những người đi dự lễ hội trong khi những giá trị văn hoá tinh thần tốt đẹp của các lễ hội đã không được quan tâm đúng mức. Ông Tâm đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và khoa học để lý giải chính xác vì sao người ta đến các lễ hội để cầu danh, cầu lợi ngày càng nhiều, chen lấn, giành giật, thậm chí còn giẫm đạp lên nhau để đoạt lấy những thứ không có thực. Có như vậy thì mới có thể đề ra được các giải pháp xử lý một cách triệt để, không chỉ dừng lại ở những chỉ đạo chấn chỉnh sau những bức xúc của xã hội về các lễ hội.

Quang Nhàn

(lược ghi)

(*) Đầu đề do Toà soạn đặt