BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐBQH Trần Hữu Hậu: Đề nghị Bộ Công thương khẩn trương cho phép chở mía qua cửa khẩu phụ 

Cập nhật ngày: 21/08/2024 - 20:21

BTNO - Thực hiện chương trình phiên họp thứ 36, trong ngày 21 và sáng 22.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch; Tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh Việt Khoa

Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn có các vị ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý, Huỳnh Thanh Phương, Trần Hữu Hậu cùng đại diện sở, ngành trong tỉnh.

Tại sao chỉ cho phép chở mía qua cửa khẩu chính?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Tây Ninh) nêu: “biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực từ hoạt động của con người đối với môi trường đang là thách thức rất lớn cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Theo thống kê năm 2023, diện tích lúa 7,1 triệu ha, sản lượng 43 triệu tấn (riêng đồng bằng sông Cửu Long 3,8 triệu ha/ sản lượng gần 24 triệu tấn). Như vậy, mục tiêu giữ vững ổn định 3,5 triệu ha lúa, sản lượng ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030 liệu có đạt được không, nếu khó đạt được, kịch bản Bộ NN&PTNT đề xuất ứng phó là gì”.

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng, biến đổi khí hậu là thách thức lớn có tính toàn cầu, “không chỉ khí hậu, giá cả lúa gạo, chất lượng gạo cũng cần được quan tâm. Chúng ta cần tư duy lại ngành hàng lúa, thu nhập của người trồng lúa quyết định tất cả”.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) chất vấn: Theo quy định hiện nay, Bộ Công Thương không đưa mía cây vào danh mục hàng hóa được phép mua bán trao đổi qua cửa khẩu phụ. Trong khi Tây Ninh có 3 cửa khẩu phụ có lực lượng chuyên ngành quản lý như tại cửa khẩu chính và quốc tế.

Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đang hợp tác hay thuê đất trồng mía tại Campuchia theo chủ  trương được Chính phủ hai nước cho phép. Vấn đề này Tây Ninh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được trả lời thỏa đáng.

Trong khi đó, các bộ Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng đều ủng hộ kiến nghị của Tây Ninh khi (vận chuyển mía cây qua cửa khẩu phụ). Vụ mía năm 2024 đang đến gần, có thể cho phép mía cây được nhập qua cửa khẩu phụ với đầy đủ hồ sơ, thủ tục như ở cửa khẩu quốc tế trước khi vào vụ mới không?.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề này; Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, việc nhập khẩu mía cây (qua cửa khẩu phụ) theo đề nghị của Tây Ninh là “không phù hợp”.

Tranh luận sau đó, đại biểu Trần Hữu Hậu bình luận, mía cây chỉ bị cấm khi đưa qua cửa khẩu phụ, còn qua cửa khẩu chính và quốc tế thì bình thường. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ ép 2023-2024 dự kiến còn 24 nhà máy đường hoạt động, công suất thiết kế trên 122.000 tấn mía/ngày.

Nguyên liệu cần cho các nhà máy hoạt động khoảng trên 18 triệu tấn/vụ. Tuy nhiên, số liệu thống kê năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, diện tích trồng mía cả nước khoảng 175.000 ha, sản lượng mía dự kiến thu hoạch là gần 12 triệu tấn. Như vậy, để đảm bảo cho các nhà máy hoạt động theo công suất thiết kế thì cần bổ sung khoảng 6,5 triệu tấn/vụ. Điều đó có nghĩa, lượng mía nguyên liệu còn thiếu 1/3 công suất chế biến.

Đối với Tây Ninh, sang Campuchia trồng mía là việc “cực chẳng đã” do cạnh tranh giữa mía, sắn (mì) với cao su có giá trị cao hơn vào năm 2012. Nay thì bị chính cây mì và nhiều cây khác lấn lướt do hiệu quả cao hơn, làm giảm diện tích của cây mía tại Tây Ninh, không đủ nguyên liệu cho hoạt động của các nhà máy.

Việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tỉnh Tây Ninh trồng mía ở Campuchia là thực hiện chương trình hợp tác giữa Tây Ninh và các tỉnh giáp biên thuộc Campuchia, quy định tại Thông tư 201/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại Campuchia nhập khẩu về nước (nay được quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Từ năm 2012, người dân đã hỗ trợ đầu tư trồng mía bằng hình thức mang vốn, giống cây trồng, phân bón, con người sang canh tác trên các khu vực đất còn trống thuộc các tỉnh giáp biên. Đến cuối vụ, họ đưa phương tiện và nhân công sang Campuchia thu hoạch, vận chuyển mía về Tây Ninh, cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh. Do đó, về bản chất, đây không phải là hoạt động mua bán hàng hoá qua biên giới theo hợp đồng thương mại. Vì vậy, càng cần linh hoạt giảm bớt các quy định không phù hợp.

Về lo ngại gian lận thương mại, đại biểu Trần Hữu Hậu nêu tiếp, mặt hàng mía cây từ Campuchia nhập vào Việt Nam không chịu bất cứ loại thuế nào. Bộ Quốc phòng trong ý kiến gửi Bộ Công Thương ghi rõ: “các cửa khẩu: Vạc Sa, Vàm Trảng Trâu, Long Phước là loại hình của khẩu phụ,... hiện nay, đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước tại cửa khẩu”.

Như vậy, dù qua cửa khẩu phụ, mía cây vẫn làm đầy đủ thủ tục như tại cửa khẩu chính và quốc tế; có điều kiện ngăn ngừa hành vi gian lận thương mại. Từ cơ sở đó, Bộ Công thương có thể xem xét cho phép Tây Ninh (vận chuyển mía) mà không cần chờ sửa nghị định trong thời gian cụ thể.

Như vậy, thông tư đã để sẵn “lối mở” cho trường hợp ngoại lệ: UBND tỉnh có thể đề nghị và Bộ Công thương có thể cho phép hàng hóa nằm ngoài danh mục được phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ trong thời gian cụ thể. Thời gian cụ thể để vận chuyển mía cây từ Campuchia về nhà máy là từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, phù hợp với điều kiện cho trường hợp “ngoại lệ” nói trên - đại biểu Hậu phân tích.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh. Ảnh Việt Khoa

“Làm ít hơn để được nhiều hơn”

Trước đó, đại biểu các đơn vị chất vấn Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về chính sách phát triển nông nghiệp. Trả lời một số nội dung câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp nước ta đi lên từ một nền nông nghiệp nhỏ lẻ và manh mún. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay không ít người nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm, hai khái niệm này thực ra khác nhau. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản, phải tổ chức lại vùng nguyên liệu, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (tỉnh Thái Nguyên) về giá lúa, ông Lê Minh Hoan cho rằng, để tăng cạnh tranh, ngoài chất lượng sản phẩm, phải giảm chi phí tối thiểu 30% so với hiện nay, theo tinh thần “làm ít hơn để được nhiều hơn”.

Trả lời đại biểu về tính manh mún, nhỏ lẻ trong hoạt động đánh bắt cá trên biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bình luận: “chúng ta chưa thật sự coi ngư dân như là một nghề, một lực lượng lao động đúng nghĩa, trong tổng số hơn 600.000 người làm nghề đánh bắt cá trên biển, 60% trong số đó chỉ học đến cấp tiểu học, nhiều người mù chữ”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu đoàn Lạng Sơn về gian lận thương mại, buôn lậu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan này đã tham mưu ban hành nhiều chính sách để khắc phục tình trạng gian lận thương mại, bao gồm xây dựng luật, sự phối hợp của các cơ quan, bóc gỡ hàng loạt trang thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm, “chúng tôi đã xử lý hàng chục ngàn trường hợp vi phạm, thu về hàng chục ngàn tỷ đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn về đào tạo nhân lực cho ngành Văn hoá đang khó khăn, có hay không sự phân biệt đối xử giữa cơ sở đào tạo (văn hoá nghệ thuật) của Bộ VH,TT&DL với cơ sở đào tạo của địa phương? Vị đại biểu này cũng nêu,  các đơn vị sự nghiệp văn hoá cũng chưa thể tự chủ được. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc tuyển sinh, đào tạo của ngành hoàn toàn minh bạch, có thông báo rõ ràng, không có gì khuất tất trong việc đăng ký các nhóm ngành. 

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về việc, người dân tiêu thụ điện nhưng phải trả thêm 10% thuế VAT là không hợp lý. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến trên thế giới nhằm khuyến khích tinh thần tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Việc tính thuế VAT 10% theo quy định của luật, muốn sửa đổi phải sửa luật.

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, thuế là nguồn thu ngân sách chủ yếu của Nhà nước, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay (5 năm) Nhà nước giảm mỗi năm 200.000 tỷ đồng tiền thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Việt Đông