Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 4.11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng 4.11
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho biết, tại toạ đàm “Nhận diện các khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều” đã nêu vướng mắc lớn, đó là hạt điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi để chế biến hàng xuất khẩu, sau khi kiểm dịch thực vật thì được đưa vào chế biến rồi xuất khẩu.
Nếu xuất khẩu toàn bộ điều nhân là hoạt động bình thường, nhưng vì bất cứ lý do gì muốn chuyển điều thô hoặc điều nhân bán nội địa, dù xin nộp thuế và làm đầy đủ các nghĩa vụ tài chính cũng không được. Nếu cố tình bán trong nước có thể bị khởi tố về tội buôn lậu; trong thực tế đã có nhiều doanh nghiệp bị khởi tố, nhiều người phải vào vòng lao lý.
Đại biểu Hậu cho rằng, thực trạng trên là do quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 15 năm 2018 yêu cầu sản phẩm thực vật dù là thực phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ, có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vào danh sách đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam. Hiện nay, các nước châu Phi xuất khẩu điều thô cho Việt Nam đều chưa đăng ký, do đó chưa được đưa vào danh sách, đồng nghĩa với việc điều thô châu Phi và nhân điều sau chế biến không được tiêu thụ nội địa...
ĐBQH Trần Hữu Hậu phát biểu thảo luận tại hội trường.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, quy định của Nghị định 15 phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho đất nước, cho Nhân dân. Tuy nhiên, quy định trên chưa phù hợp, đem đến những khó khăn, hậu quả không tốt cho ngành điều.
Đại biểu cho rằng, tác động không tốt rõ nhất là doanh nghiệp nhập điều thô nhưng gặp khó khăn hoặc bị đối tác huỷ hợp đồng mua điều nhân nên không đưa vào chế biến hoặc chế biến rồi nhưng không bán được sẽ càng thêm khó khăn và có nguy cơ phá sản.
“Trong gần 2,9 triệu tấn điều thô nhập khẩu năm 2023 có 2,2 triệu tấn nhập từ các nước châu Phi. Thị trường điều thô thế giới biến động thất thường, cạnh tranh ngày càng gay gắt, điều ấy cho thấy nguy cơ vi phạm Nghị định 15 rất lớn, dù trong nhiều trường hợp doanh nghiệp không muốn vi phạm pháp luật”- đại biểu Hậu nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan đàm phán với các nước châu Phi để họ làm thủ tục đăng ký điều thô là sản phẩm thực vật được nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong thời gian chưa làm được điều trên, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các ngành hữu quan xem xét đơn phương chấp nhận cho điều thô nhập khẩu từ châu Phi và điều nhân chế biến được làm các nghĩa vụ tài chính, chuyển bán trong nước với những yêu cầu chặt chẽ về kiểm định an toàn thực phẩm.
Tố Tuấn (lược ghi)